Dịch COVIV-19: 'Cái khó ló cái khôn' tại Trung Quốc đại lục

Công ty sữa Mengniu Dairy - nhà sản xuất sữa lớn thứ hai của Trung Quốc - cũng đang chạy đua để có thể bổ sung thêm nhiều máy bán hàng tự động vào hệ thống 10.000 máy hiện tại.
Dịch COVIV-19: 'Cái khó ló cái khôn' tại Trung Quốc đại lục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhuanet)

Trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc đang hạn chế đi lại, cách ly hay bản thân họ không muốn ra khỏi nhà nhiều để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các doanh nghiệp ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang thử nghiệm các biện pháp mới để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn.

Từ tháng trước, công ty dầu khí Sinopec đã triển khai chiến dịch bán rau "không chạm" (zero-touch) tại 6.000 trạm xăng của Sinopec ở 147 thành phố tại.

Với sáng kiến này, người tiêu dùng có thể đặt hàng và thanh toán trước các đơn đặt hàng này trên ứng dụng di động Sinopec.

Khi nhận hàng, người tiêu dùng chỉ việc lái xe đến các trạm xăng này, sau đó các nhân viên tại trạm xăng sẽ đặt những túi đồ đã soạn sẵn vào cốp xe của khách hàng.

Việc làm này có thể loại bỏ hoàn toàn các tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, song vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho cả người bán lẫn người mua. 

Trong khi đó, công ty sữa Mengniu Dairy - nhà sản xuất sữa lớn thứ hai của Trung Quốc - cũng đang chạy đua để có thể bổ sung thêm nhiều máy bán hàng tự động vào hệ thống 10.000 máy hiện tại.

Theo giới chức của công ty này, dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu mua sắm của khách hàng thông qua kênh bán hàng này.

Hệ thống các máy bán hàng tự động của Mengniu Dairy cho phép khách hàng đặt mua các sản phẩm như sữa và sữa chua trực tuyến, sau đó có thể tới lấy trực tiếp từ các máy bán hàng tự động tại địa phương nơi họ sinh sống.

Ngoài ra, công ty này cũng đã giới thiệu một sáng kiến "bán buôn cộng đồng", theo đó thực hiện giao hàng số lượng lớn cho các khu nhà ở và các cộng đồng dân cư khác để những người sống tại đây không phải di chuyển quá xa để mua sắm.

[Dịch COVID-19: Số ca tử vong trên toàn cầu vượt quá 3.000 người]

Đại diện công ty Mengniu Dairy cho biết: "Các biện pháp bán lẻ mới đã giúp thúc đẩy doanh số và mang lại cho chúng tôi thị phần lớn hơn."

Số liệu thống kê cho thấy doanh số của Mengniu Dairy trong tháng 2 vừa qua đã khôi phục được tới 80% doanh số trong tháng 1.

Trong khi đó, hãng Luckin Coffee đình đám của Trung Quốc cũng đã "lấn sân" lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sát khuẩn có cồn và xà phòng rửa tay chứa chất kháng sinh, bên cạnh công tác truyền thống là phục vụ đồ uống chứa caffein.

Hãng này cũng dự kiến sẽ sớm cho ra mắt mạng lưới máy bán hàng tự động phục vụ các sản phẩm khử trùng trong năm nay.

Không chỉ các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh tế tại hai khu hành chính đặc biệt của nước này là Hong Kong và Macau cũng đang phải đối mặt những hệ quả nghiêm trọng từ dịch COVID-19.

Số liệu thống kê công bố ngày 2/3 cho thấy doanh số bán lẻ của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong trong tháng 1/2020 đã sụt giảm 37,8 tỷ dollar Hong Kong (khoảng 4,86 tỷ USD) - giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng đồng thời là tháng thứ 12 liên tiếp doanh số bán lẻ tại Hong Kong sụt giảm. Trước đó, mức giảm doanh số bán lẻ của Hong Kong trong tháng 12/2019 là giảm 19,4%.

Trong khi đó, ngành công nghiệp sòng bạc Macau cũng vừa trải qua tháng doanh thu tồi tệ nhất, khi lợi nhuận trong tháng 2 vừa qua sụt giảm tới 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Macau chỉ ghi nhận 10 trường hợp nhiễm COVID-19 và không phát hiện bất kỳ trường hợp nhiễm mới nào trong một tháng qua.

Tuy nhiên, lượng du khách đến với khu hành chính này vẫn giảm mạnh, trong khi nhiều sòng bạc ở Macau cũng chủ động đóng cửa để đề phòng dịch bệnh lây lan.

Doanh thu từ các sòng bạc ở Macau đóng góp tới 80% tổng doanh thu của chính quyền khu hành chính này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục