Cơ bản được kiểm soát

Dịch cúm trên đàn chim yến cơ bản được kiểm soát

Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ 20/4, dịch cúm đã không còn xuất hiện trên đàn chim yến tại Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mặc dù đã cơ bản được kiểm soát, ngay cả trên đàn chim yến dịch cúm gia cầm đã được khống chế, nhưng nguy cơ tái phát dịch là rất cao.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ ngày 20/4 đến nay, dịch cúm đã không còn xuất hiện trên đàn chim yến tại Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, các giám sát, mẫu xét nghiệm, kiểm tra đều âm tính với virus H5N1 và đàn chim đều khỏe và vẫn về bình thường.

Như vậy, nếu không có gì xảy ra và việc kiểm soát dịch bệnh tốt, đến ngày 10/5, Ninh Thuận sẽ công bố hết dịch.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh không có chuyện diệt toàn bộ đàn chim yến khi dịch cúm xảy ra, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Cục Thú y phối hợp với Thú y vùng 6 và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xử lý ổ dịch trên đàn chim yến quyết liệt nhưng rất thận trọng theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, phù hợp với thực tế loài động vật hoang dã.

Toàn bộ chim yến yếu, non, chim bị bệnh chết hoặc tiêu hủy khoảng 15.000 con trên tổng số 100.000 con tại hộ nuôi Thanh Bình.

Qua thực tế này, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ban hành Thông tư quy định tạm thời về việc dẫn dụ và khai thác chim yến. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về phòng chống và xử lý dịch.

Các thành viên Ban chỉ đạo cần tăng cường phối hợp với địa phương trong phòng chống dịch, nhất là tăng cường xét nghiệm các mẫu gia cầm tại các chợ, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch, đặc biệt là sự xâm nhiễm virus cúm A/H7N9.

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 7/5, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong gần 3 tuần qua, cả nước không có tỉnh nào phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh.

Tính đến ngày 7/5, ổ dịch lở mồm long móng tại Hà Tĩnh đã qua 18 ngày, còn dịch tai xanh vẫn còn 5 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 21.000 con, trong đó Nam Định là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Tại cuộc họp, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết việc phát hiện virus rất quan trọng vì bản chất của virus là biến đổi kể cả virus cúm trên gia cầm và virus cúm trên người.

Việc lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gien rất quan trọng để phát hiện sớm và có vắcxin đối phó kịp thời, vì diễn biến của virus và các dịch bệnh không thể chủ quan./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục