Bạch Long từng được biết tới là vựa muối lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích canh tác trên 230ha. Nghề làm muối đã gắn bó với diêm dân nơi đây từ bao đời nay, là niềm tự hào của quê hương Nam Định. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Tuy nhiên, vài năm gần đây, số diêm dân bỏ nghề muối ngày càng nhiều. Cánh đồng muối vốn nhộn nhịp, tất bật những ngày nắng nay chỉ lác đác bóng người. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, sân phơi nứt nẻ, xuống cấp. Diện tích sản xuất muối nay chỉ còn gần 60ha.(Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Nghề muối vất vả nhưng thu nhập của người dân chẳng đáng là bao. Ngày nắng to, diêm dân có thể thu được 2 phương muối/sào, tương đương 50 nghìn đồng. Còn những ngày nắng mưa thất thường thì công sức coi như “trôi sông, đổ biển.” (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Ông Mai Văn Hải năm nay đã 77 tuổi, ở xóm Xuân Ninh (Bạch Long) đã gắn bó cả đời với nghề muối chia sẻ: “Cái khó của nghề muối là ngày nắng, muối làm ra nhiều, giá lại hạ, người dân vất vả còn thua lỗ. Mưa nhiều, ít nắng thì muối mất mùa, giá lại đẩy lên cao mà không có để bán. Vậy nên bao nhiêu năm, người làm muối vẫn cứ quanh quẩn với cái nghèo.”(Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Nghề muối cũng như bao nghề nông khác phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ diêm dân chưa thực sự hiệu quả, chưa ổn định được giá và cân đối cung cầu nên còn tình trạng tiểu thương ép giá. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Long cho biết: “Để gỡ một phần khó khăn cho diêm dân, hỗ trợ họ duy trì nghề muối, xã đã cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối. Những vùng sản xuất kém hiệu quả được đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang đất trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Địa phương cũng đề ra chỉ tiêu sản xuất 10 nghìn tấn muối/năm và hỗ trợ đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch. Hiện toàn xã có hơn 30 đại lý và 4 công ty thu mua, chế biến muối.”(Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Số ít diêm dân còn bám trụ với nghề có lẽ bởi tình yêu, sự thân thuộc hoặc cũng bởi cuộc sống mưu sinh. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Phần lớn lao động nghề muối ở Bạch Long hiện nay là người lớn tuổi, làm nghề lâu năm. Lớp lao động trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của quê hương bởi thu nhập bấp bênh, khó nuôi sống gia đình. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
Bà Lưu Thị Ân, 51 tuổi, xóm Xuân Ninh (Bạch Long) chia sẻ: “Xã Bạch Long từ khi khai hoang lập ấp đã mở ra ruộng muối và chia cho nhân dân tự làm. Chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề muối. Giờ có tuổi, không ruộng vườn, không làm muối thì cũng không biết làm gì khác.” (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)
(Vietnam+)