Diện mạo mới của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc

Sự đổi mới của cảnh quan di tích mang lại sự ngỡ ngàng và vui thích của nhiều du khách đến với Đền Kiếp Bạc năm nay.
Diện mạo mới của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc ảnh 1Hồ sen trước cửa đền Kiếp Bạc tỏa hương thơm ngát thu hút du khách thập phương. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Đến với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) những ngày tháng 9/2020, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi khuôn viên di tích như được khoác áo mới.

Cảnh quan thêm phong quang, sạch đẹp, tôn nghiêm làm nức lòng du khách thập phương.

Các điểm đến như đường thần đạo Đền Kiếp Bạc, Thanh Hư Động, Bàn Cờ Tiên, cầu Thấu Ngọc, suối Côn Sơn, lầu thờ Phật Bà… đã được trang trí rực rỡ bởi cờ hội, cờ dây, đèn lồng và nhiều loài hoa, cây cảnh.

Một nét mới, tạo điểm nhấn về cảnh quan nổi bật ở Di tích Côn Sơn hôm nay là công trình lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được xây dựng xong, hoàn chỉnh bức tranh về di tích Côn Sơn.

[Hải Dương: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa bảo tồn di tích]

Lầu thờ được xây dựng tại trục nhất chính đạo, phía sau Hậu Tổ Đường chùa Côn Sơn.

Công trình trở thành một điểm nhấn kiến trúc linh thiêng, kết nối các công trình kiến trúc của chùa Côn Sơn với cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Côn Sơn, Thanh Hư Động, Am Bạch Vân…

Công trình góp phần hoàn thiện kiến trúc Khu di tích Quốc gia đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng thờ tự và tham quan của nhân dân địa phương và du khách.

Ở Di tích Kiếp Bạc, đường thần đạo dẫn vào nghi môn như được “thay áo mới."

Các kiốt hàng quán trước kia đã được di chuyển ra vị trí rìa đê sông Lục Đầu, thay vào đó là những mảng xanh với hoa và cây cảnh.

Không còn hàng quán, khoảng không gian hai bên đường thần đạo rộng hơn nhiều so với trước, vừa tạo cho cảnh quan thêm phong quang, đẹp đẽ, vừa thuận lợi cho nhân dân tham quan, chiêm bái di tích.

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, trước kia dọc đường thần đạo có khoảng 60 kiốt hàng quán. Trước thực tế đó, để đảm bảo về cảnh quan môi trường và đảm bảo ý nghĩa tâm linh của di tích, tỉnh Hải Dương đã yêu cầu di chuyển hệ thống hàng quán này ra rìa đê.

Trên nền đất của các kiốt hàng quán cũ, Ban quản lý Di tích đã cải tạo, lát đá, trồng hoa và cây cảnh theo chủ đề, tạo nên cảnh quan phong quang, sạch đẹp, ý nghĩa đảm bảo về mặt tâm linh.

Phía bên trái nghi môn là khuôn viên thiết kế 72 ô đá tượng trưng cho 72 tuổi của Đức Thánh Trần.

Hai bên nghi môn được thiết kế thành vườn chữ Phúc và vườn chữ Lộc, phía sau Đền Kiếp Bạc là vườn 14 cây thiên tuế tạo nên một tổng thể hài hòa, ý nghĩa thể hiện sự thành kính, tri ân của hậu thế với công lao của Đức Thánh Trần.

Theo ước tính, kinh phí tôn tạo chỉnh trang tổng thể khuôn viên khu di tích từ đầu năm đến nay khoảng gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Các biện pháp, phương án đảm bảo vệ sinh môi trường tiếp tục được Ban quản lý Di tích và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

Ban quản lý Di tích đã bố trí khu vực vệ sinh riêng; thùng đựng rác lớn được đặt tại hai đầu dãy hàng quán mới, thuê phương tiện thường xuyên đến thu gom vận chuyển rác.

Diện mạo mới của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc ảnh 2Thảm cỏ, hoa và cây xanh đã thay thế cho những hàng quán nhếch nhác trước đây ở trước cửa đền Kiếp Bạc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Chính quyền địa phương có trách nhiệm phổ biến, đôn đốc, giám sát các hộ kinh doanh và người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi quy định.

Sự đổi mới của cảnh quan di tích mang lại sự ngỡ ngàng và vui thích của nhiều du khách đến với Đền Kiếp Bạc năm nay.

Bà Nguyễn Thị Thúy Liên (ở Hà Nội) cho biết: “Năm nào, tôi cũng về đi lễ ở Đền Kiếp Bạc. Hôm nay về đây, tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh đền. Mong rằng chính quyền, Ban quản lý Di tích tiếp tục giữ được cảnh quan như bây giờ và quan tâm đầu tư để các công trình di tích ngày càng khang trang.”

Đã thành thông lệ, giữa tháng Tám âm lịch hàng năm là dịp diễn ra Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc. Năm nay là lễ kỷ niệm 720 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương, 578 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Cùng với việc hoàn thiện các công trình tu bổ, tôn tạo di tích, cải tạo cảnh quan môi trường, công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa Thu năm 2020 được Ban Quản lý Di tích chú trọng, đặc biệt là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo di tích là điểm đến an toàn đối với du khách thập phương.

Ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc chia sẻ: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành phun khử khuẩn tại các điểm khu di tích, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh khuyến cáo cho nhân dân đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, sát khuẩn. Ban Quản lý bố trí đo thân nhiệt và khai báo y tế, chuẩn bị từ 5.000- 10.000 khẩu trang để phát cho người dân trong trường hợp vẫn còn tình trạng người dân quên, không đeo khẩu trang khi về di tích."

Trước kia, do khuôn viên di tích rất rộng, để xử lý công việc, cán bộ nhân viên Ban Quản lý Di tích phải sử dụng xe máy để di chuyển.

Hiện nay, Ban quản lý Di tích đã trang bị xe đạp làm xe công vụ để hướng đến mục tiêu thân thiện với môi trường, đảm bảo cho cảnh quan tổng thể của di tích sạch đẹp, tôn nghiêm, xứng tầm là một Khu Di tích quốc gia đặc biệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Trại rắn độc đáo ở Tiền Giang hấp dẫn du khách

Trại rắn độc đáo ở Tiền Giang hấp dẫn du khách

Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đang nuôi bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài cực độc, đang có nguy cơ tuyệt chủng cùng một số loài động vật quý hiếm khác.

Làng Cáo (Fox Village) nằm ở núi Zao, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Nhật Bản, là nơi sinh sống của hàng trăm chú cáo. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Làng Cáo “độc nhất vô nhị” tại Nhật Bản

Làng Cáo nằm ở núi Zao, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Nhật Bản, thu hút đông đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là vào mùa Đông, khi du khách có thể vừa có ngắm tuyết vừa chụp ảnh với những chú cáo.