“Đình” Thông tư 38: Có dấu hiệu vi phạm trong việc kỷ luật cán bộ

Thông tư 38 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bị đình chỉ bất ngờ cho thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Quyền lợi của người lao động cũng bị xâm hại bởi những quyết định thiếu minh bạch.
“Đình” Thông tư 38: Có dấu hiệu vi phạm trong việc kỷ luật cán bộ ảnh 1Một quyết định kỷ luật với cán bộ Cục Trồng trọt liên quan tới TT38 (Ảnh:PV/Vietnam+)

Sự việc Thông tư 38/2013-TT-BNNPTNT bất ngờ bị đình chỉ ngay trong ngày có hiệu lực đã khiến cho hàng chục doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc xử lý và kỷ luật đối với các cán bộ chuyên trách có liên quan đến việc ban hành Thông tư này cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Quyền lợi của người lao động cũng bị xâm hại bởi những quyết định thiếu công bằng, minh bạch.

Vì sao Thông tư 38 bị đình chỉ?

Như Vietnam+ đã phản ánh, việc ban hành Thông tư 38 căn cứ chặt chẽ trên tình hình thực tế về việc lưu hành và sử dụng các loại phân bón ở Việt Nam. Trong các Tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, lãnh đạo Cục trồng trọt cũng đã khẳng định tính cấp thiết của việc ban hành một thông tư quy định về các sản phẩm được phép lưu hành và sử dụng.

Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư này chính thức có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám lại ký quyết định số 2158/QĐ-BNN-PC về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 38. Quyết định này căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đề nghị của Vụ trưởng vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Đến ngày 24/9, tại Thông báo số 4388, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu dừng hiệu lực thi hành của Thông tư 38 và tiến hành thanh tra trình tự, thủ tục ban hành danh mục các loại phân bón tại Thông tư 38.

Ngay sau đó, đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vào cuộc, tiến hành rà soát lại trình tự, thủ tục xây dựng thông tư này.

Tháng 12/2013, Đoàn Thanh tra đã đưa ra kết luận số 4513/KL-BNN-TTr với nội dung nổi bật: Cục Trồng trọt đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới các sai phạm tại Cục và các đơn vị khảo nghiệm. Ngoài ra, qua việc kiểm tra 948/978 loại phân bón (30 loại phân bón Cục Trồng trọt chưa cung cấp), đoàn thanh tra còn phát hiện đối với 660/675 loại công nhận phân bón mới (thiếu hồ sơ 15 loại) thì 660 loại không có biên bản kiểm tra của Cục Trồng trọt trong quá trình khảo nghiệm; 327 loại không có biên bản đánh giá đề cương khảo nghiệm của Hội đồng cơ sở; 568 loại không có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước và sau quá trình khảo nghiệm; 660 loại thiếu diện tích khảo nghiệm diện rộng; 655 loại thiếu số lượng thí nghiệm khảo nghiệm.

“Đình” Thông tư 38: Có dấu hiệu vi phạm trong việc kỷ luật cán bộ ảnh 2Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm tại Cục Trồng trọt (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với 180/193 loại phân bón sang tên, chuyển đổi chủ sở hữu, đổi tên phân bón (thiếu hồ sơ 13 loại) thì có 162 hồ sơ thiếu thủ tục như: Đơn đăng ký chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng, đơn cam kết phân bón không trùng trong danh mục…

Thanh tra Bộ kết luận, Cục Trồng trọt đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới các sai phạm tại Cục và các đơn vị khảo nghiệm. Đối với 8 đơn vị trực tiếp khảo nghiệm, Thanh tra Bộ cho rằng trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về lãnh đạo các trung tâm và tổ chức, cá nhân liên quan. Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể và cá nhân có liên quan.

Cá nhân chịu kỷ luật cho Thông tư của tập thể

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Kết luận Thanh tra, đầu năm 2014, Cục Trồng trọt đã chính thức cho tiến hành kiểm điểm tập thể cũng như các cá nhân lãnh đạo của chính Cục này.

Ngày 19/01/2014, Cục Trồng trọt đã tiến hành kiểm điểm tập thể Cục Trồng trọt và các cá nhân lãnh đạo Cục. Kết luận: Tập thể Cục Trồng trọt chịu hình thức khiển trách, các lãnh đạo Cục Trồng trọt tự phê bình, không áp dụng hình thức kỷ luật.

Tuy nhiên, một thời gian sau, Phó Cục trưởng phụ trách Phạm Đồng Quảng đã ký hàng loạt công văn “kiểm điểm” tội từng cá nhân và đã tiến hành họp kiểm điểm hơn 20 cán bộ có liên quan và buộc thôi việc đối với 3 cán bộ.

Cụ thể, ngày 13/3/2014, Cục Trồng trọt ban hành 3 quyết định kỷ luật cách chức 3 cán bộ. Quyết định số 59/QĐ-TT-VP thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó trưởng Phòng Khảo nghiệm phân bón thuộc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia đối với bà Phan Thị Quỳnh Hương do đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513/KL-BNN-TTr ngày 19/12/2013. Quyết định số 60 thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Vũ Tuấn Linh, Phó trưởng Phòng Khảo nghiệm phân bón, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia vì có các tồn tại, sai phạm theo Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 64 kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia do đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513.

Tiếp đó, ngày 24/3, ông Quảng ban hành tiếp 3 quyết định kỷ luật cán bộ. Quyết định số 90 thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Dương Văn Dũng, công chức Phòng Sử dụng đất, phân bón vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 94 thi hành kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Sử dụng đất, phân bón vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513. Quyết định số 95 thi hành kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Cao Việt Hưng vì đã có các sai phạm liên quan đến Kết luận thanh tra số 4513.

Thời hiệu của các quyết định này đều là 1 năm kể từ ngày ký.

“Đình” Thông tư 38: Có dấu hiệu vi phạm trong việc kỷ luật cán bộ ảnh 3Một quyết định kỷ luật với cán bộ Cục Trồng trọt liên quan tới TT38 (Ảnh:PV/Vietnam+)

Đáng chú ý, các quyết định kỷ luật trên đây có rất nhiều điểm bất hợp lý và có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật cũng như vi phạm chính Kết luận thanh tra số 4513 vốn được lấy ra làm căn cứ “luận tội” các cá nhân liên quan.

Bà Phan Thị Quỳnh Hương, một trong những cán bộ bị dính án kỷ luật khẳng định: Bản thân các quyết định của Cục Trồng trọt đã vượt quá thời hạn xử lý, kỷ luật được quy định.

“Cụ thể, giả sử tôi có vi phạm các quy định nêu tại Kết luận thanh tra số 4513 thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP thì thời hạn xử lý kỷ luật cũng đã hết. Thời hạn để xem xét, kiểm điểm cán bộ theo yêu cầu của Kết luận thanh tra số 4513 đã hết trước đó hơn 2 tháng! Khoản 3.1 mục 3 trang 21 của kết luận yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan báo cáo Bộ NN&PTNT trước ngày 20/1/2014,” bà Hương nhấn mạnh.

“Đình” Thông tư 38: Có dấu hiệu vi phạm trong việc kỷ luật cán bộ ảnh 4Việc kỷ luật đã vượt quá thời hiệu trong Kết luận Thanh tra (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thêm vào đó, các cán bộ cùng bị kỷ luật còn hết sức bức xúc vì thành phần Hội đồng Kỷ luật của Cục Trồng trọt không đảm bảo đúng với các quy định tại khoản3, điều 17 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP [Nghị định được lấy làm căn cứ bên cạnh kết luận thanh tra làm ‘thước đo’ án kỷ luật cho các cán bộ nói trên-PV].

“Hội đồng Kỷ luật có ông Trần Xuân Định, người liên quan đến sai phạm trong việc xây dựng Thông thư 38 là không khách quan, vi phạm quy định. Ông Trần Xuân Định là người ký trình Thông tư số 38 mà không kiểm tra, rà soát và cũng là đối tượng phải kiểm điểm của Cục. Điều 17 Nghị định số 27 quy định về thành phần hội đồng kỷ luật nêu rõ: Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận và vợ, chồng, anh, chị, em ruột, dâu (rể) hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên hội đồng kỷ luật,” ông Trương Hợp Tác, cán bộ của phòng Sử dụng Đất và Phân bón đưa ra quan điểm.

Một loạt dấu hiệu bất minh bạch của các án kỷ luật đã khiến cho người trong cuộc đặt dấu hỏi về tính công bằng cũng như nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Không những thế, theo các cán bộ bị “dính án”, Thông tư 38 vốn là sản phẩm của cả tập thể. Trong khi một loạt cá nhân có chức năng rà soát, kiểm tra, ký các văn bản đều được kết luật chỉ phải rút kinh nghiệm thì họ lại chịu các mức kỷ luật rất nặng.

Ông Cao Việt Hưng, Phòng sử dụng Đất và Phân bón không giấu nổi cay đắng cho hay: “Trong các bản tự kiểm điểm, cá nhân mỗi người chúng tôi đều đã tự nhận trách nhiệm cho những thiếu sót của mình và đưa ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, để hình thành nên Thông tư 38 là nỗ lực chung của nhiều khâu, trong đó đóng vai trò rất quan trọng là khâu rà soát ở Phòng Pháp chế Thanh tra của Cục, Vụ Pháp chế của Bộ.”

Ông Dương Văn Dũng, chuyên viên của Phòng này cũng đưa ra dẫn chứng: Mặc dù các bộ phận trên đã không hoàn thành trách nhiệm được giao liên quan đến Thông tư 38, nhưng một số cá nhân như trưởng phòng, phó phòng Thanh tra Pháp chế vẫn nhận được quyết định khen thưởng từ lãnh đạo cục.

“Thông tư là của cả tập thể, chúng tôi sai tới đâu đều đã tự nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, các quyết định kỷ luật có dấu hiệu thiếu minh bạch, công bằng của lãnh đạo Cục đã khiến quyền lợi của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng,” đại diện các cán bộ chịu án cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục