DN dầu khí có thể tiếp tục hưởng lợi do đà tăng giá dầu trong ngắn hạn

Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong ngắn hạn, do đó, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn được hưởng lợi để tăng trưởng kinh doanh.
DN dầu khí có thể tiếp tục hưởng lợi do đà tăng giá dầu trong ngắn hạn ảnh 1Mua bán xăng, dầu tại một cửa hàng kinh doanh xăng, dầu của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng doanh nghiệp dầu khí vẫn có một năm kinh doanh khởi sắc nhờ giá dầu tăng mạnh.

Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong ngắn hạn. Do đó, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn được hưởng lợi để tăng trưởng kinh doanh.

Lợi nhuận tăng mạnh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của doanh nghiệp đạt 45.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm, tăng 2,2 lần so với năm 2020. Nộp ngân sách Nhà nước toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 tháng, năm 2021 đạt 112.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020.

Tổng giám đốc PVN, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định những kết quả đạt được của tập đoàn đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GPD quốc gia, góp phần bù đắp thu ngân sách năm 2021 cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, chủ quyền quốc gia trên biển.

Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV OIL (mã chứng khoán: OIL) là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ước thực hiện cả năm 2021, doanh thu hợp nhất đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PVOIL ước đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch cả năm 2021. Toàn hệ thống PVOIL nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.483 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS (mã chứng khoán: GAS) cũng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là doanh nghiệp trụ cột trong ngành công nghiệp khí. Năm 2021, công ty có doanh thu ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 6.000 tỷ đồng. So với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đặt ra, PV GAS ước vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt 19% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với nhiều biến chủng đáng lo ngại, giá dầu Brent đã liên tục thiết lập các mức đỉnh cao mới và đạt mức cao nhất 7 năm vào đầu tháng 10/2021. Đây là yếu tố tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí.

[Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố 8 dấu ấn trong năm 2021]

Năm 2021, giá dầu thô Brent trung bình đạt 70,5 USD/thùng, tăng 66,5% so với năm 2020. Giá dầu tăng nhờ các yếu tố chính như: nhu cầu nhiên liệu gồm than, dầu, khí phục hồi mạnh tại các nước; gián đoạn nguồn cung do bão Ida tại Mỹ và tình trạng tắc nghẽn logistics do đại dịch khiến giá than và khí tăng, đẩy giá dầu tăng khi trở thành nhiên liệu thay thế; Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng ký vào đầu năm 2021.

Dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn

Theo các nhà phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), giá dầu luôn nhạy cảm với tin tức biến thể COVID-19 mới, do đó vẫn còn rủi ro từ đại dịch tới giá dầu. Yếu tố hỗ trợ giá dầu là nhu cầu tăng, đặc biệt từ ngành hàng không, từ việc các quốc gia phục hồi và mở cửa trở lại. Ngoài ra, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bất ổn chính trị cũng đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn.

Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thach đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.

Kịch bản cơ sở của SSI đưa ra là giá dầu thô Brent trung bình là 70 USD/ thùng, không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu trên 60-65 USD/thùng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trong dài hạn. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là trọng tâm hàng đầu cho Việt Nam trong những năm tới.

Chính phủ đã phê duyệt một số dự án khu phức hợp năng lượng LNG để giải quyết tình trạng thiếu cung khí và nhu cầu điện tăng. Năm 2022, SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận ngành dầu khí đạt 20,6%, nhưng vẫn thấp hơn mức trước khi có COVID-19 (năm 2019). Động lực tăng trưởng chính cho ngành là Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD), Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (mã chứng khoán: PLC), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX) và Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán: GAS).

SSI cho rằng năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí sẽ đến từ mức so sánh khá thấp trong 2021, trong khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP ước tính hồi phục sản lượng trong 2022.

DN dầu khí có thể tiếp tục hưởng lợi do đà tăng giá dầu trong ngắn hạn ảnh 2Các giao dịch viên tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngân hàng Phố Wall cũng dự báo giá dầu sẽ tăng cao trong ngắn và trung hạn. Cụ thể, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent đạt mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay, tăng so với mức 80 USD dự kiến trước đó, do nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) vẫn còn hạn chế. Đồng quan điểm, ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nâng triển vọng giá dầu dài hạn thêm 10 USD.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn dài hạn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thô cho lĩnh vực vận tải vẫn chiếm hơn 65% tổng nhu cầu trên toàn thế giới, trong khi xu hướng xe điện đang ngày một tăng trưởng mạnh với tốc độc luôn ở mức 2 con số mỗi năm.

Sự thành công của ngành vận tải không khói sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển cũng đang là tiền đề để xu hướng xe điện phát triển tại các khu vực này. Do đó, VCBS nhận định giá dầu trong dài hạn vẫn trong xu hướng giảm.

Thực tế, ngành dầu khí khá biến động trong năm 2021, diễn biến cổ phiếu cũng biến động theo giá dầu và tâm lý nhà đầu tư trong nước hơn là ước tính lợi nhuận. Năm 2021, cổ phiếu ngành dầu khí đã tăng 28%, trong khi chỉ số VN-Index tăng gần 36%.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành đều tăng thấp hơn so với VN-Index. Đơn cử như GAS  tăng 14%. Đáng chú ý, PLX thậm chí còn giảm nhẹ 1%. PLX  dù tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhưng rõ ràng biến động giá của cổ phiếu khá thất vọng so với đà tăng chung của VN-Index.

Cổ phiếu có mức tăng tốt nhất về giá thuộc về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như: BSR tăng 132%; PVD tăng 78,4%; PVS tăng 54,5% và PLC tăng 41%.

Lợi nhuận của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) hồi phục lên 6.000 tỷ đồng trong 2021 so với lỗ 2.800 tỷ đồng trong 2020, giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD) với mảng khoan đã khởi sắc hơn, trong khi lợi nhuận của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) đi ngang do thiếu sự đóng góp của các dự án lớn. Giá cổ phiếu PLC tăng nhanh nhờ lợi nhuận mảng nhựa đường cải thiện, trong bối cảnh công ty được kỳ vọng hưởng lợi mạnh mẽ trong giai đoạn đầu tư công mới tại Việt Nam (2021-2025).

Theo SSI, cổ phiếu ngành dầu khí được định giá lại trên diện rộng nhờ giá dầu hồi phục mạnh và thanh khoản dồi dào trên thị trường chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục