Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 700 nghìn tỷ đồng

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản trong ngành bảo hiểm ước đạt 849,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% đồng thời toàn ngành đã đầu tư trở lại nền kinh tế 708,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% cùng kỳ.
Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 700 nghìn tỷ đồng ảnh 1Các công ty bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 4 tháng  là  23,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa.)

Theo ghi nhận từ Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm nay, toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 708,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,4%); trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 65,6 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 642,8 nghìn tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí trên thị trường bảo hiểm trong 4 tháng đạt 75,3 nghìn tỷ đồng và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu phí về bảo hiểm phi nhân thọ là 23,3 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6%) và bảo hiểm nhân thọ là 52 nghìn tỷ đồng (tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước).

[Xử lý kịp thời tư vấn, đại lý bán bảo hiểm nhân thọ thiếu trung thực]

Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 4 tháng là 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước chi 7,4 nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi 16,1 nghìn tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản trong ngành bảo hiểm ước đạt 849,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,2%).

Bộ Tài chính cho biết sau nhận được thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, cơ quan này đã có công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.

Theo đó, Bộ Tài chính  đã làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu các doanh nghiệp này xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.

Hiện Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng và (đến ngày 25/4) đã tiếp nhận tổng số 192 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 299 ý kiến qua email. Theo phân loại, hiện có đến 350 đơn tố cáo liên quan đến phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Tên cơ sở đó, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra trong quý 2 và 3/2023. Căn cứ vào tình hình thực tế, bộ sẽ xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục