Hỗ trợ tín dụng cho người ra tù: Giúp giảm tỷ lệ tái phạm, đảm bảo an ninh cơ sở

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tập trung tiếp tục triển khai tốt chương trình này, tham mưu địa phương dành một phần ngân sách để chuyển sang cho vay, chủ động cho vay.

Đại diện người bị lầm lỡ nhận tiền vay vốn để tái sản xuất. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Đại diện người bị lầm lỡ nhận tiền vay vốn để tái sản xuất. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ là một biện pháp tài chính; đây là một phần của một chiến lược toàn diện nhằm tạo điều kiện cho người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Giảm kỳ thị, tăng sự hỗ trợ từ cộng đồng

Mỗi năm, hàng chục nghìn người chấp hành xong án phạt tù trở lại cộng đồng. Mong ước chung của rất nhiều người đã chấp hành xong án phạt tù là có nguồn vốn để học nghề, lao động, sản xuất, kinh doanh, có một công việc chân chính nhằm thay đổi cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, không có vốn... Vì vậy, nếu không có các chính sách hỗ trợ, biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý..., việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để nhiều cuộc đời được mở sang trang mới.

Chính sách này cũng nhằm khuyến khích sự hỗ trợ và tham gia từ cộng đồng đối với quá trình tái hòa nhập của người chấp hành xong hình phạt tù, đồng thời giảm bớt định kiến, sự kỳ thị của xã hội.

Thực hiện Quyết định 22, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cách làm, mô hình hay để triển khai chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương đã triển khai cho vay vốn sớm và hiệu quả, có cách làm hay với mô hình “Phiên chợ của tình người;" tại đây đã tư vấn giới thiệu việc làm, vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Hoàng Văn Dương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, là một trong những người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tại ngay phiên chợ của tình người này. Trở về với cộng đồng sau khi trả án tù hơn 12 năm, anh tìm hiểu, học hỏi anh em, bạn bè với ý định làm trang trại nuôi lợn, tuy nhiên với anh, nguồn vốn là một vấn đề lớn.

Anh Hoàng Văn Dương chia sẻ với những người ra tù như anh, muốn có công ăn việc làm thì rất cần vốn. Song, đi vay vốn là cả một vấn đề. Không phải ai cũng dễ dàng cho những người từng lầm lỡ vay tiền. Người thân, anh em, bạn bè cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Vì vậy, được tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn là niềm mong mỏi, háo hức của người chấp hành xong án phạt tù và cả của gia đình, người thân.

Anh Trần Hữu Đức, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trở về gia đình sau thời gian chấp hành án, anh ấp ủ dự định sẽ mở một cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ, bởi anh được học nghề trong quá trình cải tạo tại trại giam. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình cũng còn nhiều khó khăn, không có điều kiện về vốn kinh doanh. Từ khi được chính quyền, cơ quan chức năng tuyên truyền, tiếp cận với chính sách hỗ trợ tín dụng cho người ra tù, anh Đức cũng như người thân trong gia đình rất mong mỏi, hy vọng.

ttxvn_diem_tua_cho_nhung_nguoi_tung_lam_lo_tai_hoa_nhap_cong_dong_huyen_tuyen_hoa_quang__binh.jpg
Nhiều trường hợp lầm lỡ trở về đã phát triển mô hình chăn nuôi từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. (Ảnh: TTXVN phát)

Anh trai của Đức là anh Trần Tuấn Anh chia sẻ: từ khi có thông tin được trong danh sách hồ sơ vay vốn, gia đình rất háo hức, đã đồng hành, hỗ trợ em trai lên phương án sản xuất kinh doanh cụ thể để Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung cho biết để triển khai hiệu quả Quyết định số 22, Công an tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, xây dựng chương trình.

"Trong đó xác định mục tiêu xuyên suốt của cả 2 ngành là không để trường hợp nào có nhu cầu, đủ điều kiện mà không tiếp cận được nguồn vốn,"- bà Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, đây là chính sách mới, nên nhiều người ra tù, cũng như gia đình, người thân chưa nắm bắt được, chưa hiểu toàn diện về chính sách, dẫn đến ban đầu quá trình cho vay vốn còn gặp một số vướng mắc.

Sau khi các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích, quá trình vay vốn đã được triển khai tốt và hiệu quả hơn. Việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi giúp người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm, thay đổi cuộc đời của họ. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm tội.

Theo số liệu của Công an tỉnh Hà Nam, sau khi triển khai tốt chính sách hỗ trợ tín dụng cho người ra tù, quý 1 năm 2024 tỷ lệ tái phạm chỉ còn 5,4% so với con số tái phạm năm 2023 là 6,8% và trước đó năm 2022 là 7,55%. Đây là những tín hiệu rất tích cực ban đầu về ý nghĩa, tác động của chính sách hỗ trợ vốn vay này.

Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, cho biết trước đây đã có những chính sách cho vay với đối tượng này, tuy nhiên còn manh mún, không được tập trung, cụ thể. Từ khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, đã có những chính sách, cơ chế rõ ràng để triển khai cho vay. Công tác triển khai chính sách tín dụng đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Đại tá Phạm Hùng Dương cho biết thêm, qua thực tiễn của các địa phương và dự báo tình hình, chính sách này cũng cần nhiều giải pháp để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Công an tỉnh sẽ tăng cường tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội có những giải pháp triển khai tốt hơn chính sách nhân văn này.

ttxvn_nguon_von_chinh_sach_xa_hoi_ho_tro_nguoi_lam_lo_lam_lai_cuoc_doi.jpg
Người từng bị lầm lỡ nhận tiền vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách theo Quyết định số 22. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Phối hợp triển khai hiệu quả hơn, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng thuộc Bộ Công an, cho biết ngoài những kết quả, hiệu quả tích cực trong việc thực hiện chính sách về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn vướng mắc.

Do đây là chính sách mới, các cơ quan thực thi chưa có kinh nghiệm trong triển khai và đôi khi còn lúng túng, không chắc chắn về cách thức thực hiện hiệu quả nhất. Sự phối hợp giữa Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương, và các đơn vị liên quan có lúc, có nơi chưa đạt được sự đồng bộ cần thiết, gây trở ngại trong việc triển khai thống nhất và hiệu quả.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về chính sách còn hạn chế, chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả, dẫn đến sự thiếu hiểu biết và hỗ trợ không đầy đủ từ phía cộng đồng. Sự kỳ thị và định kiến từ cộng đồng xã hội đối với người chấp hành xong án phạt tù còn nặng nề, làm giảm hiệu quả của các nỗ lực thực hiện chính sách. Các hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền. Vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp e ngại trong việc tuyển dụng, tiếp nhận những lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Đại tá Nguyễn Văn Long cũng cho rằng các điều kiện vay vốn hạn chế như yêu cầu hợp đồng lao động dài hạn, khiến nhiều người chấp hành xong án phạt tù không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi (điều kiện này nhằm đảm bảo rằng người chấp hành xong án phạt tù có khả năng hoàn trả vay, phù hợp với mục tiêu của chính sách).

Cũng trao đổi về chính sách này, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đánh giá trước đây, hoạt động của các mô hình tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn toàn quốc còn mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống.

Chính vì thế ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, quy định về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... và có quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tập trung tiếp tục triển khai tốt chương trình này, tham mưu địa phương dành một phần ngân sách để chuyển sang cho vay, chủ động cho vay, đáp ứng yêu cầu của người chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó là tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Quyết định 22, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương phối hợp với trại giam tiếp tục tiếp cận các đối tượng chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thông tin về chính sách này để khi họ trở về có thể chủ động tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục