Bình Dương: Ủy thác cho vay các đối tượng khó khăn hơn 1.440 tỷ đồng

Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Bình Dương ủy thác Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý, sử dụng vốn từ ngân sách tỉnh cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách với hơn 1.4401 tỷ đồng.

Lễ ký kết hợp đồng ủy thác nguồn vốn địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)
Lễ ký kết hợp đồng ủy thác nguồn vốn địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ngày 26/12, tại Bình Dương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ ký kết hợp đồng ủy thác nguồn vốn địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo nội dung ký kết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương quản lý, sử dụng vốn từ ngân sách tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn ủy thác cho vay hơn 1.4401 tỷ đồng.

Trên cơ sở vốn nhận ủy thác, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ chủ động cho vay theo nguyên tắc ưu tiên thứ tự các chương trình tín dụng gồm cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; cho vay người chấp hành xong án phạt tù; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở; cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và các chương trình cho vay khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Mức vay, lãi suất cho vay, thời hạn vay được thực hiện theo quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Để việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả ngày càng cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Lộc Hà đề nghị các sở ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn để bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong việc chỉ đạo, giám sát thực thi các chính sách tín dụng ưu đãi; tổ chức chính trị-xã hội các cấp nâng cao vai trò trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao.

Chương trình tín dụng chính sách là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp cho các đối tượng yếu thế có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, ngoài nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chuyển về, thời gian qua Ủy ban Nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đối ứng với Trung ương.

Trước đây, nguồn vốn ủy thác bằng hình thức tạm ứng nhưng hiện nay không còn phù hợp với tình hình và quy định mới. Với sự tham mưu tích cực của các sở ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp với cơ chế hiện hành. Đây là tiền đề quan trọng và căn cứ thiết thực để Ủy ban Nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ủy thác vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn kể từ năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục