Chiều 12/10, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Toàn quốc quán triệt, triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương dự Hội nghị.
Chính sách nhân văn, nhân đạo
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác tái hòa nhập cộng đồng còn những hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn, nhất là vấn đề tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù để ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
[Điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn là gì?]
"Hiện nay, có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, song, hoạt động của các mô hình hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng," Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống; đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng, việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện có mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc với 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố, 628 Phòng giao dịch cấp huyện, hệ thống 10.449 Điểm giao dịch xã xuống tận các xã/phường/thị trấn và màng lưới 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, ấp.
"Cả hệ thống chính trị và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện ‘phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã’," ông Dương Quyết Thắng khẳng định.
Thông tin về dư nợ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù (trước khi có Quyết định số 22), Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết có 191 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với dư nợ đạt 9.319 triệu đồng. Trong đó, dư nợ bằng nguồn vốn ngân sách địa phương là 4.995 triệu đồng, với 127 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.
Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 22, theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn là 2.089 người với số tiền 138 tỷ đồng. Để các địa phương có nguồn vốn giải ngân ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tạm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương số tiền là 57,5 tỷ đồng.
Sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực, đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân cho 145 khách hàng, số tiền là 10,82 tỷ đồng. Điển hình như các chi nhánh Hải Dương 19 khách hàng, số tiền 1,85 tỷ đồng, Hưng Yên 13 khách hàng, số tiền 1 tỷ đồng; Bạc Liêu 11 khách hàng, số tiền 520 triệu đồng.
[Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách]
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt các nội dung cơ bản của Quyết định số 22 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách Xã hội; nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một số địa phương tham luận, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách này.
Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn
Biểu dương Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 và kịp thời tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô đến tận cấp xã với hơn 25.000 đại biểu để quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung trong Quyết định, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những năm qua, các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, giúp đỡ được nhiều người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Khẳng định Quyết định 22 ra đời đã đáp ứng rất kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào đời sống; tham mưu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội - cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù - cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan chủ động phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách Xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.
Ủy ban Nhân dân các cấp, các ban, ngành đoàn thể ở địa phương cần có nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22.
"Ủy ban Nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành án phạt tù cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay," Phó Thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay, tạo của cải vật chất, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Nội dung, hình thức tuyên tuyền cần phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này, tăng cường lan tỏa các thông điệp tích cực, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
"Quyết định số 22 là chính sách mới, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp, các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp xử lý, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi," Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.