Doanh nghiệp đá xây dựng kỳ vọng tăng trưởng từ dự án cơ sở hạ tầng

Kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2023 hơn 700.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công lớn được kỳ vọng thúc đẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.
Doanh nghiệp đá xây dựng kỳ vọng tăng trưởng từ dự án cơ sở hạ tầng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhu cầu đầu tư dự kiến tăng lên nhờ vào động lực chính đến từ các dự án đầu tư công trong năm 2023 được giới phân tích dự báo thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng bao gồm đá xây dựng thời gian tới.

Theo kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2023 hơn 700.000 tỷ đồng, với các dự án trọng điểm bao gồm đường cao tốc Bắc Nam; các dự án đường vành đai khác nhau ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; sân bay Long Thành… Như vậy, nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công rất lớn.

Bộ Giao thông Vận tải nhận định nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023-2025 khoảng 21,5 triệu m3. Cụ thể hơn, dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, đường vành đai 3 dự kiến sử dụng lần lượt 2,04 triệu m3, 738.000m3 và 5,2 triệu m3 đá xây dựng.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (AGR) nhận định nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.

[Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng tìm điểm sáng trong khó khăn]

Với doanh nghiệp đá xây dựng, chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.

Nguồn cung hạn chế, chủ yếu đến từ các mỏ khu vực gần dự án. Hầu hết mỏ đá xây dựng được phân bố trên cả nước, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Hầu hết nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án.

Dù vậy, nguồn cung đá xây dựng vẫn tiếp tục còn hạn chế do quy hoạch mỏ đá xây dựng giai đoạn 2021-2025 mới chưa hoàn thành, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố là “trung tâm” khai thác đá xây dựng miền Nam; trong đó, có tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra, giá bồi thường đất tại các khu vực khai thác đá đều tăng khiến cung không đủ cầu.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, mỏ đá xây dựng Tân Cang - nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác.

Cụ thể, với 9 mỏ đá ở khu vực Tân Cang, SSI ước tính nhu cầu tại các mỏ đá của Tân Cang sẽ tăng 28% so với cùng kỳ nhờ cung cấp cho dự án Sân bay Long Thành, các dự án cơ sở hạ tầng tại Đồng Nai và Đường Vành đai 3.

Giá đá xây dựng dự kiến tăng 8% so với cùng kỳ, bù đắp cho giá nhiên liệu và chi phí bảo vệ môi trường cho khai thác mỏ tăng lên.

Tỷ suất lợi nhuận gộp tại các mỏ Tân Cang được duy trì trong khoảng 28-30%, thấp hơn mức trung bình tại các mỏ đá khác như Tân Đông Hiệp và Thạnh Phú lần lượt là 45% và 32%, do chi phí đào/bốc các lớp đất cao với lớp đất từ 10-12m.

Đối với mỏ đá xây dựng Thạnh Phú - nguồn cung cấp chính cho các công trình tại Tây Nam Bộ, có 9 mỏ đá ở khu vực Thạnh Phú, SSI cũng ước tính nhu cầu tại các mỏ đá Thạnh Phú sẽ tăng từ 15%-16% so với cùng kỳ nhờ cung cấp cho các dự án ở khu vực phía Tây Nam như Cần Thơ-Hậu Giang, đường cao tốc Hậu Giang-Cà Mau. Giá đá xây dựng dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ.

Giới phân tích cho rằng những yếu tốt này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty đá xây dựng niêm yết tăng trưởng trong năm 2023. Riêng SSI dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 16% so với cùng kỳ trong năm 2023; sản lượng đá dự báo tăng bình quân 15%, giá bán dự kiến tăng khoảng 7-8% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, nhóm phân tích của SSI cũng chỉ ra những rủi ro mà doanh nghiệp đã xây dựng có thể phải đối mặt trong thời gian tới. Việc cấp phép cho các mỏ mới kéo dài; các khoản phải thu của công ty đá xây dựng có khả năng tăng lên khi các dự án thi công không đúng tiến độ.

Song song đó, chi phí bảo vệ môi trường dự kiến tăng trong năm 2023. Theo Nghị định - quy định chi phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP có thể sẽ tăng trong năm 2023. Điều này sẽ làm tăng 50% chi phí đá xây dựng so với quy định hiện hành. SSU ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 0,8% từ việc tăng phí này.

Như Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương hiện khai thác tại các mỏ đá tại khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Tại khu vực Nam Bộ, KSB sở hữu 2 mỏ đá tại Bình Dương có trữ lượng khai thác lớn, mỗi mỏ có công suất khai thác trên 1 triệu m3/năm; và mỏ Thiện Tân 7 tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Công ty hiện cũng đang nắm giữ 9,5% cổ phần tại Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa - một doanh nghiệp cùng ngành đang khai thác nhiều mỏ đá tại khu vực Đồng nai với công suất lên tới 4 triệu m3/năm. Các mỏ đá của KSB nằm ở vị trí tương đối thuận lợi ở khu vực Nam Bộ, giúp giảm chi phí vận chuyển tới công trường xây dựng, nâng cao khả năng cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công.

Hay Công ty Hóa An có 3 mỏ đá sẵn sàng khai thác tại khu vực phía Nam, với lợi thế chi phí khai thác thấp do các mỏ đã khai thác thời gian dài giúp tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình có thể len tới 39% và bảo đảm khả năng trả cổ tức ổn định, không có nợ vay trong năm nay.

Đóng cửa phiên 7/2, cổ phiếu KSB của Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương có giá 21.300 đồng, DHA của Công ty Hóa An có giá 36.300 đồng, VLB của Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa có giá 29.700 đồng/đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục