Doanh nghiệp, dân Nhật Bản chật vật do thiếu hụt nguồn cung năng lượng

Giá điện và gas đã ghi nhận mức tăng mạnh, kết hợp với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12/2022 tăng 4% so với trước đó một năm, cao nhất trong vòng 41 năm qua.
Doanh nghiệp, dân Nhật Bản chật vật do thiếu hụt nguồn cung năng lượng ảnh 1Một trạm xăng ở Nhật Bản. (Nguồn: Bloomberg)

Nhìn lại một năm xung đột Nga-Ukraine, có thể thấy rõ sự mong manh của ngành năng lượng Nhật Bản, vốn phụ thuộc gần 90% nguồn cung từ bên ngoài.

Rõ ràng, những tổn thương của nguồn cung năng lượng từ cuộc xung đột này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân Nhật Bản. Hơn nữa, triển vọng mờ mịt chấm dứt xung đột này đã đặt ra một nhu cầu cấp bách đối với Nhật Bản cần phải cùng lúc đảm bảo sự ổn định của nguồn cung năng lượng và đẩy nhanh hơn quá trình khử carbon.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản năm 2022, giá trị nhập khẩu của quốc gia này đã lần đầu vượt 100.000 tỷ yen (khoảng 740 tỷ USD), dẫn đến thâm hụt thương mại cao kỷ lục với 20.000 tỷ yen. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đồng yen luôn duy trì ở mức thấp và giá nhiên liệu tăng cao (chiếm tới 30% giá trị nhập khẩu).

Trên thực tế, giá nhiên liệu toàn cầu đã tăng mạnh do lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể cắt đứt nguồn cung dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu bất cứ lúc nào.

Dưới tác động đó, giá điện và gas tại Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng mạnh, kết hợp với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng (gồm tất cả mặt hàng trừ sản phẩm tươi sống) trong tháng 12/2022 đã tăng 4% so với trước đó một năm, cao nhất trong vòng 41 năm qua.

Chính phủ nước này đã và đang sử dụng các khoản trợ cấp để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và các hộ gia đình, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Bộ trưởng Tài chính Shunichi Zuzuki cho biết: “Chúng ta cần chú ý đến xu thế của cải quốc gia đang chảy sang các nước xuất khẩu tài nguyên."

[AMRO dự báo tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản ở mức 1,2% năm 2023]

Trong khi đó, từ tháng 3/2022, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã lần đầu tiên phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu điện do một số nhà máy nhiệt điện phải ngừng hoạt động và tình hình thời tiết khắc nghiệt vào cả mùa Hè và mùa Đông.

Cũng từ thực trạng đó, nhiều cuộc thăm dò ý kiến của người dân trong năm 2022 đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, vốn bị ngưng hoạt động sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, có xu hướng vượt xa tỷ lệ phản đối trước đó.

Ở một diễn biến khác, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Chính sách cơ bản để hiện thực hóa chuyển đổi xanh (GX)" nhằm đạt được nguồn cung năng lượng ổn định và thúc đẩy quá trình khử carbon. Theo đó, ngoài việc kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ nước này kêu gọi các khoản đầu tư cả khu vực công và tư nhân với trị giá hơn 150.000 tỷ yen (khoảng 1.100 tỷ USD) trong vòng 10 năm để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng hydro… Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút khoản đầu tư khổng lồ đó là một quá trình không dễ dàng và đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và dài hạn.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Daiwa, do mùa Đông năm nay ở châu Âu không quá khắc nghiệt nên giá khí đốt tự nhiên đã giảm phần nào nhưng mùa Đông tới sẽ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng thực sự và Nhật Bản không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, cạnh tranh nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được dự báo là sẽ gay gắt hơn khi nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh giai đoạn sau khi từ bỏ chính sách "Không COVID."

Chính vì thế, giải pháp trước mắt của Nhật Bản là phải làm thế nào để thúc đẩy hợp tác quốc tế để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu có lợi cho một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn cung nước ngoài như Nhật Bản, với vai trò Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục