Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19'

Nhờ chính sách kích cầu du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” mà bức tranh du lịch nội địa đã có phần tươi sáng hơn. Có những doanh nghiệp đã hoạt động đến 90% công suất vào dịp cuối tuần...
Kết thúc Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc 2019, các đại biểu quốc tế thăm quan di tích lịch sử Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Kết thúc Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc 2019, các đại biểu quốc tế thăm quan di tích lịch sử Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau hơn 3 tháng “đóng băng,” ngành du lịch đang có luồng sinh khí mới nhờ chính sách kích cầu du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Giữa bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt đã làm gì để tận dụng thời cơ vàng trong làn sóng “kích cầu du lịch nội địa” hậu giãn cách COVID-19, và các nhà quản lý có kế hoạch gì để điều tiết, hỗ trợ các đối tác, doanh nghiệp du lịch vực dậy toàn ngành sau khủng hoảng?

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các ngành kinh tế, không chỉ doanh nghiệp thiệt hại nặng nề mà du khách cũng hạn chế chi tiêu do ngân sách cạn kiệt. Đặc biệt, trong cơn bão dịch bệnh, doanh nghiệp càng lớn càng chịu nhiều tổn thất, vất vả, doanh nghiệp nhỏ lại dễ phục hồi hơn.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội chia sẻ: “Doanh thu của Vietravel đang từ mức hàng chục nghìn tỷ giờ quay về thời điểm vài nghìn tỷ nhưng chúng tôi phải thích nghi với thời cuộc. Hiện doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong việc chuyển đổi nhân sự từ du lịch quốc tế sang nội địa, kể cả nhân sự bán vé cũng vậy. Đối với sản phẩm chúng tôi chỉ có thể triển khai các gói du lịch combo, trọn gói nhóm nhỏ vì tình hình hiện tại vẫn phải hạn chế tụ tập đông người.”

[Mở cửa đón khách quốc tế trở lại: Du lịch Việt Nam cần làm gì?]

Về giá, Vietravel phải giảm sâu đến 50% và xác định đây là lúc làm cầu nối giữa du khách-địa điểm thăm quan để lấy lại lòng tin của khách, tạo khí thế làm việc. Để truyền thông, đơn vị này tận dụng các kênh online để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19' ảnh 1Du khách thăm quan vườn hồng lớn nhất Việt Nam ở Sapa. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Chia sẻ về việc “xốc’ lại doanh nghiệp trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch cho hay: “Ở thời điểm hiện tại, một trong những việc mà doanh nghiệp phải làm là tăng cường đầu tư để nhận được sự đón nhận của thị trường; phải tiếp tục điều chỉnh tất cả các hoạt động vận hành theo tiêu chuẩn cao hơn thông thường, tái cơ cấu lại bộ máy. Chúng tôi cũng thay đổi thương hiệu từ Hà Nội Redtours thành Flamingo Redtours.”

Nhờ những thay đổi đó mà tất cả các dịch vụ du lịch của đơn vị này đều hoạt động đến 90% công suất vào dịp cuối tuần và 40% các ngày trong tuần. Lượng khách du lịch trong tháng Năm đã đạt gần bằng cùng kỳ năm trước. Đây được cho là thành công trong nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp hậu COVID-19.

Xu hướng mới của du lịch nội địa

Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp đều ghi nhận nhờ chính sách kích cầu du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng mà bức tranh du lịch nội địa đã có phần tươi sáng hơn. Hơn lúc nào hết, những người làm du lịch cho rằng đây chính là thời điểm vàng để kích cầu du lịch nội địa hậu đại dịch.

Song, giải pháp này liệu có thực sự cứu được ngành du lịch đang “chết lâm sàng?”

Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, lịch sử nền du lịch thế giới chưa bao giờ gặp phải cơn đại khủng hoảng như thế. Thống kê toàn cầu cho thấy, doanh thu từ du lịch trên toàn thế giới năm 2020 có thể giảm xuống 78%, cao hơn rất nhiều những lần khủng hoảng trước.

May mắn là tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam sớm phát triển du lịch trở lại.

Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19' ảnh 2Thung lũng Mường Hoa, Sapa mùa nước đổ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Kiên cho biết, năm 2019, 45% doanh thu du lịch Việt Nam là của 85 triệu khách nội địa, trong khi đó 18 triệu khách quốc tế đến đã đóng góp 55% tổng doanh thu.

Thế nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, những người Việt trước đây có nhu cầu du lịch quốc tế nay sẽ quay lại khám phá Việt Nam. Đó là nhóm người có khả năng chi trả cao hơn. Nếu phục vụ tốt, nhóm khách hàng này sẽ gắn bó lâu dài hơn với du lịch trong nước.

“Theo một số khảo sát của chúng tôi, khách du lịch Việt Nam đang có xu hướng thay đổi: Người Việt Nam thường đi du lịch với đoàn nhỏ, nhóm gia đình, bạn bè. Họ thích đi biển, leo núi, những địa điểm hoang dã hơn là những thành phố, khu dân cư. Người Việt đang cực kỳ quan tâm đến vấn đề an toàn, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, giá trị gia tăng. Người Việt có thói quen đặt tour, đặt vé, các địa điểm nhà hàng trực tiếp không qua ứng dụng công nghệ,” ông Kiên nói.

Nếu nắm bắt được những xu hướng như thế, du lịch Việt cần thay đổi để phù hợp hơn với khách hàng. Cơ hội rất lớn mở ra cho du lịch nội địa nếu phục vụ được sẽ tạo thói quen người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và tạo việc làm cho hàng triệu người đang phục vụ trong ngành này.

Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19' ảnh 3Sapa với view hướng núi tuyệt đẹp vào mùa Hè. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Lộ trình phục hồi sau khủng hoảng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch Việt thiệt hại 3,7 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng qua, giảm 54% so với năm 2019; lượng khách nội địa cũng giảm 58% so với năm 2019. Đặc biệt, trong cao điểm dịch bệnh, 95% công ty lữ hành quốc tế nội địa phải dừng hoạt động.

Nhận định về cơ hội phục hồi sau dịch COVID-19 của du lịch Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, từ nay đến cuối năm, dự kiến khách nội địa khoảng 60-65 triệu lượt. Trong quý III có thể đón từ 6-8 triệu lượt khách quốc tế; quý IV có thể đón được 4-4,5 triệu lượt khách quốc tế đến.

Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19' ảnh 4Nụ cười những em bé Hà Nhì. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Phúc nhận định thời điểm này các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành, địa phương đều  thể hiện một tinh thần đoàn kết, thống nhất cao.

“Chúng tôi sẽ cùng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giám sát cơ chế, chính sách, bám sát hành lang chung để làm sao doanh nhiệp có thể vận hành tốt nhất, gặp khó khăn thì giúp các doanh nghiệp tháo gỡ. Giai đoạn đầu chúng ta sẽ phát triển du lịch nội địa,” ông Phúc khẳng định.

Đặc biệt, lãnh đạo ngành du lịch cho biết sang giai đoạn 2 vẫn tiếp tục phát triển du lịch nội địa và thêm song phương với một số quốc gia, đặc biệt giai đoạn sau sẽ xem xét mở rộng thêm các thị trường quốc tế khác. Ngoài ra, các đơn vị cũng xúc tiến gửi thông điệp đến với hành khách quốc tế, Việt Nam là điểm đến an toàn.

Với những nỗ lực này của các cấp quản lý, cùng hy vọng giai đoạn mới của du lịch Việt Nam sẽ sớm khởi sắc, các doanh nghiệp sớm “hồi sinh” mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục