Theo báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính - APCI 2022, để thực hiện một thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 14,9 giờ, chi phí trực tiếp khoảng 3,8 triệu đồng cho các dịch vụ logistics.
Báo cáo APCI 2022 do Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
Báo cáo cho thấy thời gian thực hiện các hoạt động liên quan đến logistics gia tăng đối với tất cả các luồng hàng hóa. Xu hướng sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói tiếp tục gia tăng, với mức tăng trung bình của dịch vụ trung gian trọn gói là 11%/năm, chênh lệch giữa chi phí trọn gói chi trả cho đơn vị dịch vụ với tổng chi phí tuân thủ trung bình chung giảm dần với tốc độ 5%/năm.
Với những nỗ lực về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phòng, chống tiêu cực trong hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục nộp thuế qua hình thức trực tuyến năm 2022 là 81,1%, cao hơn so với các năm trước.
[Trung bình doanh nghiệp mất 32,2 giờ để thực hiện 1 thủ tục về đất đai]
Theo khảo sát của LinkSME, việc chi trả chi phí không chính thức để thực hiện các thủ tục kiểm tra thông quan hàng hóa tiếp tục giảm theo thời gian.
Nhóm thủ tục hành chính giao dịch thương mại qua biên giới có điểm số APCI 2022 tăng 2,3 điểm so với APCI 2021, mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 là 16,2 điểm.
Việc sử dụng dịch vụ hải quan chuyên nghiệp ngày càng tăng và có thể giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có nguồn lực và kinh nghiệm về việc thực hiện các thủ tục hải quan.
Trong nỗ lực chung của toàn ngành, các chỉ số cho thấy sự biến chuyển tích cực đến từ hệ thống cơ quan hải quan vẫn tiếp tục lớn hơn so với các cơ quan liên quan khác như cơ quan về kiểm tra chuyên ngành hay các đơn vị quản lý và kinh doanh cảng.
Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) khi được áp dụng rộng rãi có thể tạo ra sự đột phá trong cải cách các thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới./.