Doanh nghiệp nội: Đừng bó gối để bị thu hẹp!

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Tuấn Hải nhấn mạnh một doanh nghiệp riêng lẻ không tạo nên thị trường, do đó, để chiếm lĩnh thị trường nội địa các doanh nghiệp cần liên kết xây dựng thị trường "nội bộ" để tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Cũng theo ông Hải, việc xây dựng thị trường "nội bộ" sẽ mang lợi ích kép cho doanh nghiệp, bởi các sản phẩm, dịch vụ có thể bổ sung cho nhau và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp này có thể là đầu vào của doanh nghiệp khác ...
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, các doanh nghiệp trong nước cần liên kết với nhau xây dựng thị trường "nội bộ" để làm đòn bẩy phát triển thị trường nội địa.

Doanh nghiệp: Lợi ích kép

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 9/3, tại Hà Nội, ông Hải nhấn mạnh: "Một doanh nghiệp riêng lẻ không tạo nên thị trường, ngược lại còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề khiến nguy cơ có thể bị thu hẹp thị phần. Do đó, để chiếm lĩnh thị trường nội địa các doanh nghiệp cần liên kết xây dựng thị trường 'nội bộ' để tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Cũng theo ông Hải, việc xây dựng thị trường "nội bộ" sẽ mang lợi ích kép cho doanh nghiệp, bởi các sản phẩm, dịch vụ có thể bổ sung cho nhau và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp này có thể là đầu vào của doanh nghiệp khác và nhóm doanh nghiệp đó có thể cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau sẽ tạo ra một thị trường mới trong nội bộ nhóm.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp có thể trở thành đối tác đầu tư chiến lược của nhau hay đơn giản chỉ cùng nhau liên kết để cùng mua hay bán một loại sản phẩm dịch vụ thì cũng có thể tận dụng được lợi thế của quy mô lớn, giảm được giá mua, giảm được chi phí marketing, bán hàng...

Đánh giá của VCCI cho thấy, trong số 64 hiệp hội doanh nghiệp thành viên thì có tới 73% ý kiến khẳng định khó khăn hàng đầu của họ là kinh phí và 62% ý kiến gặp khó khăn trong vấn đề nguồn nhân lực và đây chính là vòng luẩn quẩn của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận: Việc phát triển thị trường nội địa và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hướng tốt để khơi dậy sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước, do vậy cần phát huy vai trò của các Hiệp hội, tránh hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau, dẫm chân lên nhau.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, vai trò của hiệp hội trong việc huy động hội viên tham gia chiếm lĩnh thị trường nội địa lại khá mờ nhạt. M\Hầu hết các hiệp hội mới chỉ có thể kêu gọi doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm chứ chưa kêu gọi và tạo động lực để các thành viên tìm hiểu nhu cầu của thị trường nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hợp lý.

Cần cơ chế cho hạ tầng thương mại


Do đó, ông Lộc cho rằng, để thúc đẩy vai trò "cầm chịch" của hiệp hội cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, khẳng định quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của các đơn vị thành viên; mối quan hệ giữa hiệp hội với các cơ quan tổ chức Nhà nước cũng như xác định những hoạt động chủ yếu, cách thức liên kết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong cung cấp và chia sẻ thông tin thị trường...

Về qui mô của thị trường nội địa, mặc dù với trên 80 triệu dân và sức tiêu thụ hàng hóa lớn, thế nhưng sức hấp thụ của doanh nghiệp nội còn quá thấp, nên luôn bị yếu thế trước các đối thủ nước ngoài.

Nên để giúp tiêu thụ sản phẩm trong nước, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các dự án đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước cần được áp dụng cơ chế ưu tiên sử dụng những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, từ đó không chỉ đạt được chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà còn tạo ra việc làm cho người lao động.

Theo ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), nhà nước cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng bởi hiện nay, các hạ tầng thương mại tại vùng nông thôn còn thiếu và yếu, lại chưa được rộng khắp. "Nếu củng cố phát triển được hệ thống này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận hàng nội mà còn giúp danh nghiệp giảm được chi phí vận chuyển cũng như tạo ra việc làm cho lao động nông thôn," ông Cảnh đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng cho rằng, cần phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam nhằm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng cũng như tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là "rào cản" cho những sản phẩm hàng hóa có chất lượng thấp của nước ngoài đưa vào tiêu thụ, bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

Khẳng định sự quyết tâm đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan Nhà nước từng bước tháo gỡ đồng thời tạo điều kiện tốt hơn để các doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập tốt hơn vào thị trường nội địa. "Và đây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng hiểu hơn về hoạt động của doanh nghiệp, qua đó sẽ tiêu dùng nhiều hàng Việt hơn, giúp thị trường trong nước ngày càng khởi sắc," Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục