Doanh nghiệp tự chọn phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh phù hợp

Tỉnh Tiền Giang cho biết có 3 phương án được tỉnh đưa ra là tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; phương án “3 tại chỗ;” kết hợp phương án “03 tại chỗ” với đi, về hàng ngày.
Doanh nghiệp tự chọn phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh phù hợp ảnh 1Các doanh nghiệp tại Tiền Giang có thể lựa chọn co người lao động đi, về hàng ngày. (Ảnh: TTXVN) 

Chiều 28/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai công văn số 6526/UBND-KT, ngày 28/10/2021 về việc hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thực hiện phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết có 3 phương án được tỉnh đưa ra là: tổ chức cho người lao động đi và về hàng ngày trong quá trình làm việc; phương án “3 tại chỗ;” kết hợp phương án “03 tại chỗ” với đi, về hàng ngày.

Trên cơ sở góp ý, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan y tế, doanh nghiệp được chủ động lựa chọn 1 trong 3 phương án sản xuất, kinh doanh kể trên phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của đơn vị và tình hình diễn biến dịch tại địa phương, đồng thời tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều kiện sử dụng lao động là người lao động đã được tiêm hai mũi vaccine hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng và cư trú ở vùng cấp độ 1 và cấp độ 2 quy mô cấp xã.

Người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR trong vòng 72 giờ.

Việc xét nghiệm tầm soát định kỳ, đối tượng và tỷ lệ người lao động xét nghiệm thực hiện theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế tại từng thời điểm. Chi phí xét nghiệm cho người lao động do doanh nghiệp tự chi trả.

Mặt khác, doanh nghiệp chỉ được chọn hoạt động theo một trong các phương án nêu trên khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thể hiện trong phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và được cơ quan thẩm quyền thông qua.

Khi lập phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn, các doanh nghiệp phải gửi phương án theo mẫu đến các cơ quan chức năng: Ban Quản lý các Khu công nghiệp đối với doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp và có quy mô từ 200 lao động trở lên.

Hoặc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đối với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp nơi doanh nghiệp hoạt động và có quy mô dưới 200 lao động.

[Tiền Giang khẩn trương giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp FDI]

Trong thời gian 3 ngày kể từ ngày nhận được phương án của doanh nghiệp, các cơ quan trên phải thẩm định xong và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thông qua ,hoặc từ chối thông qua phương án của doanh nghiệp. Thời gian áp dụng theo công văn 6526/UBND-KT từ ngày 1/11/2021.

Tiền Giang hiện có 186 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với trên 108.000 lao động, chưa kể các doanh nghiệp hoạt động ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Tuy đánh giá là tỉnh cấp độ dịch cấp 2 dựa trên Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn đe dọa rất lớn.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo, trong ngày hôm qua (27/10), địa phương phát hiện thêm 127 ca F0 mới, nâng toàn tỉnh ghi nhận 15.985 trường hợp F0; trong đó, đã điều trị khỏi 14.364 trường hợp, 394 trường hợp tử vong.

Do vậy, Tiền Giang hướng dẫn các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa giúp phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục