Doanh nghiệp vẫn muốn vay ngân hàng dù lãi suất cao

Bất chấp mức lãi suất trần quy định là 14%, các ngân hàng vẫn "phá rào" nâng mức lãi suất huy động vốn lên cao và đương nhiên, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên ngất ngưởng. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang gồng mình chịu lãi suất cao và đau đầu tìm nguồn vốn mới. Theo khảo sát của VCCI, vẫn có tới gần 75% doanh nghiệp muốn tạo vốn bằng vay ngân hàng.
Những giải pháp tháo gỡ khó khăn ban đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ là vấn đề làm "nóng" buổi tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” do VCCI và Việc Chính sách Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 10/5.

Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng

Tại buổi toàn đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc-cơ quan đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ dẫn kết quả  khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng hiện còn rất nhỏ, ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số doanh nghiệp được vay.

Ông Lộc cho biết thêm, hiện mức lãi suất trần quy định là 14%, nhưng trên thực tế các ngân hàng thương mại đã phá rào huy động vốn bằng cách nâng mức lãi suất lên từ 15-19%/năm tùy vào thời điểm và số lượng tiền gửi.

Việc huy động vốn với lãi suất vượt trần đồng nghĩa với lãi suất cho vay cũng sẽ được nâng lên ở mức 20-22%. Một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp thực sự cần vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Ông Lộc nhấn mạnh, với mức lãi suất rất cao như vậy, không ít doanh nghiệp sợ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nghiên cứu của VCCI cho thấy 74,47% doanh nghiệp vẫn muốn tạo vốn bằng vay ngân hàng.

Những lo lắng của ông Lộc cũng là những lo lắng của doanh nghiệp tại buổi tọa đàm. Ông Trần Khải Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tân Kim Thành, cho biết hiện Công ty đang vay vốn của một ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên do lãi suất vay hiện quá cao nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Khi lãi suất bên ngoài tăng, bản thân các ngân hàng cũng tự động nâng lên mà không cần hỏi ý kiến người vay, đôi khi khiến doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan.” Bên cạnh đó, vay vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần tuy dễ thở hơn nhưng lại bị phía ngân hàng định giá tài sản thấp hơn.

Ông Thành cho biết thêm, hiện tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm đáng kể do bị chiếm dụng vốn do thanh toán chậm và lãi suất ngân hàng cao. Trong khi đó, để có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp phải chi một khoản “bôi trơn,” tuy nhiên cũng không dễ để có được nguồn vốn ưu đãi.

Còn ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) chia sẻ, với mức lãi suất đi vay hiện nay, nhiều doanh nghiệp hiện muốn dừng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khó mà vay vốn để tiếp tục lại càng khó hơn.

Ông Lý cho biết, trước đây một đơn vị vốn Aprocimex sản xuất ra được 3 sản phẩm, nhưng hiện nay chỉ sản xuất ra được 1,5 sản phẩm thôi. Như vậy đòi hỏi vốn phải tăng lên, nhưng do chính sách thắt chặt tiền tệ nên các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.

“Đôi khi doanh nghiệp chúng tôi phải lỡ hẹn với bạn hàng nước ngoài vì không có vốn,” ông Lý cho biết thêm.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường đào tạo nhân lực ViettinBank, đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kiến nghị phải xem xét bằng mọi cách giảm lãi suất đầu vào cho doanh nghiệp, tương ứng là lãi suất đầu ra của ngân hàng. Để ngân hàng tự giải quyết không được vì họ đã huy động đến 17-18%. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nên hỗ trợ vốn để có đầu ra hợp lý.

Theo bà Mùi, khi lạm phát tháng Năm nguy cơ lên tới 1,7-2,2%, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ vốn cho ngân hàng thương mại và xử phạt nghiêm với những trường hợp huy động vốn vượt trần. Đồng thời, sử dụng công cụ tài chính hướng dòng vốn, chẳng hạn thuế lũy tiến bất động sản.

Đề xuất nguồn vốn trái phiếu

Theo môt số doanh nghiệp cho biết, thời điểm này tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là rất khó, nên doanh nghiệp đành tiếp cận những nguồn vốn nhàn rỗi của bạn bè, người thân.

Ông Lý cho biết, doanh nghiệp của ông đã vay vốn của cán bộ công nhân viên công ty với lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên ông Lý cũng cho rằng, nguồn vốn này cũng không được bền lâu vì nguồn vốn này cũng rất hạn chế.

Một số doanh nghiệp khác cho biết, thời gian vừa qua, các hình thức gọi vốn từ cổ đông, chào bán riêng lẻ cho đối tác, công nhân viên chức… trên thị trường chứng khoán được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu ồ ạt khiến thị trường bị bội thực nguồn cung và kênh huy động này hiện nay không hiệu quả.

Để nâng cao khả năng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn BIDV, cùng với cổ phiếu, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tìm được một kênh huy động vốn rất hiệu quả. Thông qua kênh này, doanh nghiệp có thể tránh bị pha loãng cổ phiếu, được hưởng ưu đãi thuế đối với vốn vay và giảm chi phí sử dụng vốn. Đặc biệt, nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp, thậm chí không phải trả lãi.

Doanh nghiệp nên tìm đến những tổ chức có kinh nghiệm về phát hành trái phiếu như BIDV, VietcomBank, VietinBank để được tư vấn về phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin tổ chức phát hành; yêu cầu định hạng tín nhiệm tổ chức phát hành; nâng cao đổi mới tư duy quản lý doanh nghiệp và sử dụng vốn có hiệu quả. Bởi, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu về năng lực quản lý, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực, vốn ít, và bị hạn chế trong việc lập dự án, phương án sản xuất, hệ thống sổ sách kế toán còn thiếu minh bạch. Do vậy, cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn là không cao.

Bên cạnh đó, bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn kinh doanh và Quản trị rủi ro doanh nghiệp - Deloitte Việt Nam, cho rằng hợp tác công-tư (PPP) là xu thế tất yếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư cũng như tranh thủ năng lực về quản lý, kỹ thuật, công nghệ của khu vực tư nhân. Từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Để đảm bảo thành công của các dự án PPP, Chính phủ xây dựng đầy đủ, minh bạch, công bằng về khung pháp lý, đưa ra một cam kết rõ ràng về lộ trình thực hiện./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục