Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng tăng nhu cầu tuyển dụng

Một khảo sát mới đây cho thấy cu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp Việt trong những tháng cuối năm 2021 được dự đoán sẽ giảm ít nhiều so với hai quý đầu năm nhưng vẫn đang trên đà phục hồi.
Ngành sản xuất chế tạo dự báo là ngành có nhu cầu tuyển dụng phục hồi tốt nhất trong 3-6 tháng tới. (Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)
Ngành sản xuất chế tạo dự báo là ngành có nhu cầu tuyển dụng phục hồi tốt nhất trong 3-6 tháng tới. (Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Một khảo sát vừa được công bố chiều 20/8 cho thấy bức tranh tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước được dự đoán sẽ tiếp tục mang gam màu sáng trong giai đoạn nửa sau năm 2021 bất chấp những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

40% doanh nghiệp phục hồi tuyển dụng trong 3 tháng tới

Cuộc khảo sát xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 ManpowerGroup Việt Nam và Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai trong giai đoạn từ giữa tháng 5/2021 đến giữa tháng 7/2021 cho thấy hơn 80% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại. So với hai quý đầu năm là 93% thì tỷ lệ này đã giảm. Ngoài ra, khoảng 19,7% doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ: “Trong khối dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao và vị trí toàn thời gian, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng vẫn gia tăng, nổi bật là các ngành công nghệ thông, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, y tế…”

“Đặc biệt, giữa bối cảnh thị trường lao động nhiều khó khăn hiện nay, các vị trí chuyên gia IT cấp cao và chuyển đổi mô hình kinh doanh (business transformation) vẫn rất khó tuyển. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng số hóa tăng nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, ví dụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng,” bà Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng tăng nhu cầu tuyển dụng ảnh 1

Theo khảo sát, xu hướng tuyển dụng sắp tới đang có chiều hướng phục hồi về mức như trước đại dịch. Có tới 40% doanh nghiệp dự kiến tăng tuyển dụng để phục hồi như trước đại dịch trong vòng 3 tháng tới, hơn 24% dự kiến phục hồi trong 6 tháng.

Triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, bán sỉ, bán lẻ và thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, xây dựng và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp...

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, đóng góp 2,9% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng tăng nhu cầu tuyển dụng ảnh 2

Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam cho biết: “Từ khi đại dịch diễn ra đến nay thị trường trong nước đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch của các nhà máy sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm đang mở ra cho lao động Việt.”

“Một tỷ lệ lớn các đơn hàng tuyển dụng theo hình thức khoán việc và cho thuê lại lao động của ManpowerGroup Việt Nam đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo như lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi/vận chuyển, xây dựng hạ tầng giao thông…,” bà Kim cho hay”

Hơn 60% doanh nghiệp linh hoạt hình thức làm việc

Trong báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021 của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cơ quan này đã đưa ra 3 kịch bản thị trường lao động trong thời gian tới gồm: Kịch bản tốt sẽ tác động tiêu cực đến 22 triệu lao động; kịch bản thường tác động tiêu cực tới 30 triệu lao động tập trung vào các ngành: Chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ… và con số lao động bị tác động tiêu tực trong kịch bản xấu là 40 triệu người.

Cục Việc làm đánh giá tác động của hai đợt dịch COVID-19 trong 7 tháng qua đến thị trường lao động là vô cùng lớn. Đặc biệt, đợt dịch trong tháng Bảy đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam, vốn là nơi thu hút nhân lực nhất của cả nước.

Báo cáo của ManpowerGroup cũng chỉ ra rằng tại thời điểm khảo sát, khoảng 64% nhà tuyển dụng cho biết doanh nghiệp của họ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng và 36% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

[Tự động hóa ngành sản xuất, chế tạo: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao?]

Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp cho biết sẽ dự áp dụng nhiều hình thức làm việc cho nhân viên trong vòng 3-6 tháng tới.

Khoảng 25% doanh nghiệp vẫn mong muốn duy trì hình thức làm việc công sở toàn thời gian, hơn 41% sẽ áp dụng đồng thời cả hai hình thức làm việc ở văn phòng và làm việc từ xa. Gần 22% lựa chọn bố trí các ca làm việc linh hoạt. Chỉ khoảng 9% doanh nghiệp dự định cho nhân viên làm toàn thời gian ngoài công sở.

Trước tình trạng thiếu hụt nhân tài gây nên bởi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, hai nhóm dịch vụ được lựa chọn nhiều nhất bởi doanh nghiệp là dịch vụ khoán việc, cho thuê lại lao động và dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao, vị trí toàn thời gian với tỷ lệ được chọn lần lượt là 41,4% và 40,8%. Theo sau đó, gần 30% doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ tư vấn nhân sự, hơn 15% chọn dịch vụ xin giấy phép lao động và visa cho người nước ngoài và 11% chọn dịch vụ thuê ngoài quy trình tuyển dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục