Doanh nghiệp xây trường học cho con công nhân

Tập đoàn Phong Thái (Đồng Nai) đã đầu tư 14 triệu USD xây dựng trường học cho con em công nhân và khu lưu trú cho trên 5.000 lao động
Mới đây, Tập đoàn Phong Thái, đóng tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 14 triệu USD để xây dựng trường học cho con em công nhân và khu lưu trú cho trên 5.000 lao động để họ yên tâm làm việc.

Vấn đề nhà trẻ cho con em công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện đang là nỗi lo và gánh nặng cho rất nhiều gia đình công nhân trẻ. Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở giữ trẻ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng các điểm giữ trẻ tư nhân.

Để góp phần giải quyết bài toán khó này, Tập đoàn Phong Thái, với trên 46.000 công nhân lao động, đã quyết định đầu tư 14 triệu USD xây dựng một trường học khang trang cho con em công nhân và khu lưu trú cho trên 5.000 lao động.

Bà Trần Xuân Khuê Tú, Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Phong Thái cho biết doanh nghiệp muốn góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở và nơi gửi trẻ của công nhân nhằm tạo điều kiện cho anh chị em lao động yên tâm gắn bó với công việc.

Dự án công trình phúc lợi chăm lo đời sống cho công nhân Phong Thái rộng 8ha bao gồm ba khối nhà ký túc xá cao bốn tầng dành cho 5.500 người ở và một trường mẫu giáo dành cho con em công nhân, ngoài ra còn có công viên, sân chơi, với tổng kinh phí xây dựng 14 triệu USD.

Riêng trường mẫu giáo Đông Phương được xây dựng trên diện tích hơn 1ha với 20 phòng học, mỗi phòng rộng 80m2 được trang bị đầy đủ tivi, quạt, dụng cụ học tập, đồ chơi, sân chơi dành cho hoạt động ngoài trời và tập thể dục.

Đội ngũ giáo viên của trường được tuyển chọn đúng quy chuẩn, hơn 40 giáo viên đứng lớp đều đã qua đào tạo. 80% số giáo viên trên có trình độ cao đẳng trở lên.

Trường mẫu giáo Đông Phương với ba hệ đào tạo là lớp mầm, lớp chồi và lớp lá; mỗi lớp có từ 28-30 em, đã chính thực đi vào hoạt động từ năm 2008, có thể tiếp nhận được 850 học sinh con em của công nhân.

Anh Trần Văn Thành, công nhân của Tập đoàn Phong Thái, có con học ở trường Đông Phương cho biết, từ khi được vào ở trong ký túc xá và được gửi con ở trường mẫu giáo Đông Phương, cuộc sống của gia đình  anh đã đỡ khó khăn đi rất nhiều. Hai vợ chồng không còn phải chật vật thay ca nhau đi đón con như thời phải gửi ở các cơ sở bên ngoài.

Hàng ngày, anh Thành chỉ cần đi bộ một quãng ngăn để gửi con ở trường mẫu giáo, sau đó vào nhà máy làm việc.

Một công nhân khác của Phong Thái, chị Phạm Thị Liên, quê Thanh Hóa, cho biết từ khi gửi con ở trường, gia đình chị đã không phải lo đi đón con khi tăng ca. Các cháu gửi học tại đây được giáo dục trong môi trường tốt nên chị cảm thấy rất an tâm gắn bó với công việc. Mỗi tháng gia đình chị Liên chỉ đóng 300.000 để phụ thêm tiền ăn cho cháu, còn tất cả các khoản khác đều được Tập đoàn Phong Thái tài trợ.

Bà Lương Thị Diễm Chi, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Đông Phương cho biết hiện nay trường đang áp dụng chế độ dinh dưỡng cho các cháu theo tiêu chuẩn của quốc gia, mỗi ngày các cháu được ăn 3-4 món thay đổi liên tục và có các bữa phụ.

Đối với những cháu bị suy dinh dưỡng, sau khi được gửi tại trường, các cô giáo sẽ áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để chăm sóc các cháu.

Tất cả các chương trình học của các cháu tại trường đều được Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Trảng Bom quản lý.

Trường còn có đội ngũ y tế để theo dõi chăm sóc sức khỏe. Hàng ngày sau khi các anh chị em công nhân gửi con cho cô giáo, đội ngũ y tế sẽ tiến hành đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe cho từng cháu, nếu phát hiện có biểu hiện bệnh, sẽ thông báo ngay cho phụ huynh.

Tại Đồng Nai hiện đã có 30 khu công nghiệp được cấp phép đi vào hoạt động, thu hút trên 500.000 công nhân lao động. Việc một doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư khu cư trú và trường lớp nuôi dạy con em của lao động như tập đoàn Phong Thái, đang là một mô hình hay, thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động.

Đó cũng là một cách hữu hiệu để doanh nghiệp có thể giữ chân người lao động gắn bó với công việc trong thời điểm thị trường lao động, đặc biệt lao động phổ thông có nhiều biến động như hiện nay./.

Sỹ Tuyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục