Mặc dù Ai Cập mới khánh thành Kênh đào Suez mới, nhưng theo số liệu vừa được Ban quản lý Kênh đào Suez công bố, doanh thu từ tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải với biển Đỏ đã sụt giảm tháng thứ chín liên tiếp.
Theo đó, số tiền mà Ai Cập thu được từ Kênh đào Suez trong tháng Mười đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 449,2 triệu USD.
Tính chung 10 tháng qua doanh thu của Kênh đào Suez đã bị giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4,34 tỷ USD so với mức 4,52 tỷ USD của cùng kỳ.
Từ khi khai trương kênh đào Suez mới, đây là tháng thứ ba liên tiếp số ngoại tệ thu về từ tuyến đường thủy quan trọng này bị sụt giảm.
Trong tháng Tám và Chín doanh thu của kênh đào Suez đã lần lượt giảm 9,4% và 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 462,1 triệu USD và 448,8 triệu USD.
Dự án kênh đào Suez mới được khởi công từ tháng 8/2014, với tổng vốn đầu tư lên tới 8,2 tỷ USD, cho phép tàu thuyền lưu thông hai chiều.
Chính phủ Ai Cập kỳ vọng doanh thu từ kênh đào Suez mở rộng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Ai Cập, sẽ tăng từ khoảng 5,3 tỷ USD mỗi năm hiện nay lên 13,2 tỷ USD vào năm 2023.
Các nhà kinh tế và các chủ hàng đã tỏ ra hoài nghi về mục tiêu của dự án, vì xu hướng tăng trưởng thương mại thế giới không có khả năng thúc đẩy gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động vận tải biển.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho rằng với tốc độ tăng trưởng trung bình của hoạt động vận tải biển, doanh thu từ Kênh đào Suez Canal sẽ đạt mức dưới 5,6 tỷ USD vào năm 2023.
Theo Moody's, nếu Ai Cập muốn đạt được con số như kỳ vọng 13,2 tỷ USD thì tăng trưởng thương mại thế giới phải ở mức 10%.
Hồi tháng Chín, các nhà kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ mức dự báo của tăng trưởng thương mại thế giới năm 2015 và 2016 xuống 2,8% và 3,9% từ các mức dự báo trước đó là 3,3% và 4,0%.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 19/11, ông Mohab Mamish, Trưởng ban quản lý Kênh đào Suez, cho biết Ai Cập sẽ tổ chức một hội nghị để giới thiệu các dự án mới tại Siêu Dự án Phát triển khu Kênh đào Suez vào tháng Hai năm tới.
Ai Cập đang có kế hoạch làm mới khu vực có diện tích 500km2 xung quanh hai thành phố của Kênh đào Suez bao gồm Port Said và Ismailia, mở rộng sáu cảng, để hình thành một trung tâm thương mại và hậu cần lớn toàn cầu trong vòng 15 năm tới.
Quân đội Ai Cập đã bắt đầu xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở một số khu vực thuộc Siêu Dự án, trong đó có dự án phát triển cảng Đông Port Said.
Ông Mamish cho biết thêm 36 nhà đầu tư, chủ yếu là từ châu Âu và Đông Nam Á, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực như lắp ráp ôtô, dệt may, điện tử.../.