Theo Ban quản lý Kênh đào Suez (Ai Cập), đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của kênh đào Suez, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập.
Ai Cập chính thức khai trương dự án mở rộng kênh đào Suez hôm 6/8/2015 với mục tiêu khôi phục nền kinh tế vốn đang èo uột sau mấy năm bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, sau khi được khánh thành với một nghi lễ hoành tráng, hiệu quả hoạt động của kênh đào Suez không được như mong đợi khi doanh thu liên tiếp sụt giảm trong tháng 8-9/2015.
Theo ông Mohab Mamish, Trưởng Ban quản lý Kênh đào Suez, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ảm đạm này chủ yếu do lưu lượng tàu thuyền qua lại giảm sút.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà tăng chậm lại, nhất là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sa sút và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đi xuống.
Doanh thu của kênh đào Suez trong tháng 8 và tháng 9/2015 đã lần lượt giảm 9,4% và 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 462,1 triệu USD và 448,8 triệu USD.
Dự án kênh đào Suez mới được khởi công từ tháng 8/2015, với tổng vốn đầu tư lên tới 8,2 tỷ USD, cho phép tàu thuyền lưu thông hai chiều.
Chiều dài của đoạn kênh đào Suez mới là 72km, trong đó 37km là được đào mới và 35km còn lại là đoạn được đào sâu và mở rộng của kênh Suez cũ.
Dự án mở rộng và cải tạo kênh Suez sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp bốn lần lưu lượng vận chuyển container.
Chính phủ Ai Cập kỳ vọng doanh thu từ kênh đào Suez mở rộng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Ai Cập, sẽ tăng từ khoảng 5 tỷ USD mỗi năm hiện nay lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023.
Hiện nền kinh tế Ai Cập đang đối mặt với tình trạng khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 9/2015, xuống còn 16,34 tỷ USD, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trong ba tháng./.