Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ

Độc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ, tiếng địa phương còn được gọi là lễ Thuổm Cuổn, được cấp cho người con trai mới lớn.

Những ngày cuối năm, dưới cái rét cắt da cắt thịt ở miền núi, từ trung tâm thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi vượt hơn 130km đường, đến xóm Khổi Tặc, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc để chứng kiến lễ cấp sắc của người Sán Chỉ.

Mới đến đầu xóm chúng tôi đã cảm nhận được không khí rộn rã, tiếng nói cười rôm rả phát ra từ nhà ông trưởng xóm Đặng Văn Goành, bởi hôm nay gia đình ông làm lễ cấp sắc cho đứa con trai của mình.

Trong căn nhà sàn ba gian truyền thống, bà con làng xóm ngồi quây quần bên hai bếp lửa cháy đỏ rực, chia vui cùng gia chủ. Cùng nhâm nhi những chén rượu ngô, các cụ cao niên kể lại cho con trẻ nguồn gốc, ý nghĩa lễ cấp sắc của dân tộc.

Theo thầy mo Đặng Văn Dèm, lễ cấp sắc của người Sán Chỉ, tiếng địa phương còn được gọi là lễ Thuổm Cuổn, được cấp cho người con trai mới lớn để chúng trưởng thành biết giúp cha mẹ lo chuyện làm ăn, đồng thời có tên âm khi về "thế giới bên kia."

Người Sán Chỉ cấp sắc cho người con trai tuổi từ 12 trở lên, đàn ông ai cũng phải qua nghi thức này, kể cả khi đã có vợ con rồi mà chưa làm lễ cũng vẫn phải làm.

Lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, tham gia làm lễ có 5 thầy, gồm cả thầy mo và thầy tào. Lễ vật cho lễ cấp sắc gồm 200kg gạo, 3 con lợn, mỗi con nặng từ 60kg trở lên, 100 lít rượu và 4 con gà luộc chín để cúng.

Với người Sán Chỉ, trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, tất cả các thầy mo, thầy tào, gia chủ, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh, không ăn mỡ động vật. Đặc biệt, người được cấp sắc phải cách ly ở riêng trên gác một mình, khi nào thầy mo thầy tào cho ăn mới được ăn, cho xuống làm lễ mới được xuống.

Lễ cấp sắc được tiến hành thâu đêm suốt sáng, cả ban ngày, qua hơn 20 nghi thức lớn nhỏ khác nhau như lễ dựng đàn Ngũ Đài, Đàn thờ trong nhà, lễ cúng Đàn Thìn Đành, lễ lên thăm Thiên Đình, lễ xin Thánh lấy pháp lực, lễ Giáng sinh, dâng lễ vật cho tổ sư, lễ khao làng...

Mở đầu lễ cấp sắc là tiếng Thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng Trống hiện thân của mặt trăng. Sau khi đã làm xong các nghi thức trong nhà, các thầy cầm hương trình lên đàn lễ xin cho người thụ lễ ra ngoài đàn Ngũ Đài để thực hiện lễ giáng sinh.

Đàn Ngũ Đài được lập ngoài trời, trên một khu đất rộng, làm bằng gỗ, cao hơn hai mét. Ngũ Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên Đàn nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.

Người thụ lễ sau khi lên Ngũ Đài cần ngẩng đầu nhìn trời lần lượt xoay mình về các phía, sau đó ngồi xuống Ngũ Đài mặt quay về hướng Tây, lưng về hướng Đông. Ở bên dưới, người ta dùng dây rừng đan thành võng căng rộng ra như chiếc vó, đặt chiếu và tấm chăn mềm vào đó để khi trẻ rơi từ trên xuống tấm chăn là vật nâng đỡ và gói đứa trẻ lại thành bọc.

Sau khi thầy Tào và thầy Mo làm lễ xong, người thụ lễ đứng thẳng lên rồi ngồi co chụm lại cúi đầu, các ngón tay đan vào nhau, ngón tay cái giữ ngón chân cái, ngón tay phải giữ ngón chân phải, ngón tay trái giữ ngón chân trái.

Sau ba lần hô, người thụ lễ theo đó mà chụm chân lại và xoay người dần ra mép phía đông. Trong lúc đó, mọi người ở dưới cùng nhau trải võng và căng ra. Trên mặt võng trải tấm chăn. Chăn xếp phải để làm sao cho lúc người được thụ lễ rơi xuống thì chăn phải chụm lại phủ kín toàn bộ người rơi xuống trong võng.

Người thụ lễ rơi xuống võng liền được gói kín, tấm lưới bao bọc xung quanh như bào thai. Trống chiêng nổi liên hồi mừng người thụ lễ từ trên trời giáng sinh về với trần gian. Bát nước đặt trên gói võng được Thầy làm phép đổ đi rồi mở võng, mở bọc chăn ra.

Thầy sẽ xem các ngón tay, ngón chân xem có còn chụm sát vào nhau hay không. Sau đó, thầy cầm dấu đóng vào lưng hai bàn tay còn đan kết của người thụ lễ rồi gỡ mười ngón tay đan vào nhau ra.

Người thụ lễ được ngồi dậy, các thầy cầm mỗi thầy một bát cơm lần lượt bón cho người thụ lễ ăn. Điều này tượng trưng cho việc trẻ sinh ra được các thầy chăm sóc, tiếp đó các thầy lần lượt dùng kiếm chặt các mắt lưới của tấm võng.

Người thụ lễ sau khi giáng sinh được đưa về nhà để làm các nghi lễ khác như đội mũ áo cho người thụ lễ, lễ cấp quyền, lễ giao âm binh, lễ hướng dẫn người thụ lễ hành nghề, dâng lễ vật cho tổ sư, tạ ơn tổ tiên và các nghi thức hạ đàn.

Kết thúc lễ cấp sắc là lễ khao làng - đây cũng là một nghi thức rất độc đáo thể hiện cuộc sống cộng đồng đoàn kết của người Sán Chỉ. Các mâm cơm thịt được sắp ra, toàn thể nam giới từ nhỏ đến già ngồi quây quần xếp bằng trên sàn.

Mọi người mời nhau ăn uống vui vẻ, nhất là trẻ em cùng trang lứa với người được cấp sắc sẽ ăn ngấu nghiến và chính sự háu ăn đó sẽ thể hiện niềm vui và hạnh phúc của gia đình hành lễ, của những bậc phụ huynh khi của cải làm ra có trẻ đến ăn uống đông vui.

Trong lễ cấp sắc, bữa tối thứ nhất hành lễ và tối thứ hai là lễ khao làng, đối tượng của hai bữa này chủ yếu dành cho nam giới. Đến bữa trưa ngày thứ 3 sau khi kết thúc lễ, từ sáng nữ chủ nhà sẽ đến từng hộ trong làng mời phụ nữ đến ăn bữa trưa. Khi đi ăn cơm, các chị em mặc trang phục truyền thống với đầy đủ nữ trang...

Bữa rượu kết thúc lễ được tổ chức vào tối hôm thứ ba. Gia chủ lấy mật lợn nướng trên bếp cùng với một lát gan lợn cho thơm rồi cắt cả gan lẫn mật cho vào bát rượu to rồi mời các thầy cùng ăn bữa cơm chia tay. Từ hôm sau, hết lễ, bà con lại cùng nhau lên nương lên rẫy cùng nhau làm ăn, cuối năm thu hoạch mùa vụ, nuôi được lợn lớn họ lại cùng làm lễ cấp sắc cho con cháu.

Điều đặc biệt, trong nghi lễ cấp quyền, khi người thụ lễ đã trưởng thành có chức sắc, các thầy bắt đầu đọc cho người thụ lễ mười điều nguyện, mười lời thề và mười điều cấm như không được sống gian lận, khinh người, không được chửi mắng bố mẹ... Tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội.

Chính vì vậy, tuy việc làm lễ tốn kém về vật chất nhưng đổi lại, người Sán Chỉ luôn giữ được nếp sống gia đình hòa thuận, gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục