Cũng giống như mọi người dân Việt Nam, ngư dân Quảng Ngãi ngoài việc cúng các nghi lễ Tết theo truyền thống còn thực hiện nghi lễ cúng thuyền, cúng tàu trong những dịp Xuân về.
Bao đời nay, phong tục “Tết thuyền” ấy vẫn được các ngư dân thực hiện để bày tỏ lòng biết ơn thần linh đã ban tặng cho họ những vụ cá đầy đồng thời cầu may mắn cho một năm thuận buồm xuôi gió.
Ngay từ tờ mờ sáng, ngư dân ở xóm Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã chuẩn bị các mâm cỗ để mang đến tàu cho các “thầy cúng” (là những lão ngư lớn tuổi trong làng) thực hiện nghi lễ cúng thuyền.
Mâm cỗ thịnh soạn này thường được ngư dân chuẩn bị khá đầy đủ và thường là những sản vật tốt nhất trong mùa vụ qua như tôm, cá, mực. Ngoài ra, mâm lễ cũng được các chủ tàu chuẩn bị khá chu đáo với bánh tét, trái cây, rượu cùng bát gạo, cháo trắng, bánh tráng, muối, trầu cau, nhang đèn, vàng mã… Để thực hiện cho thủ tục cúng, mâm cỗ bắt buộc phải có con gà, nếu nhà nào khấm khá hơn có thể cúng lợn.
Sau khi mâm cỗ đã được bày ra trên mũi tàu, thầy cúng trong trang phục áo dài truyền thống cùng gia chủ quỳ xuống khấn vái cầu mong một năm mới may mắn bình an. Sau đó, chủ thuyền thực hiện rải muối và gạo xuống nước và khắp sàn thuyền để "thần thuyền" cùng chung vui.
Phong tục “cúng thuyền” có từ rất lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ và nghi lễ này thường được ngư dân chọn vào thời điểm từ 1 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Vì theo họ, đây chính là thời điểm đẹp, yên tĩnh và tốt nhất trong ngày.
Ngư dân Phạm Bình, chủ tàu QNg 95797-TS ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: "Tết Cúng thuyền nhằm mong muốn cầu cho trời yên biển lặng, nhất là trong năm mới, tình hình trên biển Đông ngày càng ổn định để ngư dân chúng tôi tự tin, an tâm đánh bắt."
Đây cũng là dịp để gắn kết tất cả các anh em trong tàu và các tàu khác với nhau, bàn với nhau những công việc sắp tới, anh em trên thuyền đưa ra những đề xuất, giải pháp mới để cùng nhau trao đổi nhằm giúp tàu, thuyền làm ăn ngày một tốt hơn trong năm tới.
Theo lời kể của các lão ngư, "Tết cúng thuyền" xuất phát từ lâu đời và được kéo dài cho đến tận hôm nay. Ngư dân đi biển thì có nguy cơ xảy ra tai nạn. Với tâm ý phòng tránh điều rủi ro, ngư dân Quảng Ngãi tin rằng sau một năm đánh bắt và trước ngày đi biển các chủ tàu cần phải làm lễ cúng thuyền nhằm tạ ơn người bạn là con thuyền, con tàu đã gắn bó suốt cả năm. Có như vậy, con tàu mới bảo vệ ngư dân tránh sóng to, gió lớn.
Tết “cúng thuyền” mang ý nghĩa về tâm linh, ngư dân Quảng Ngãi cho rằng việc làm này trước là để cám ơn thần linh đã bảo vệ họ khỏi sóng dữ, tai ương, sau là để cúng cho những người anh em cũng đi biển như họ, nhưng không may mắn gặp bão, gió và mất trên biển.
Ngoài việc “cúng thuyền” trên tàu, ngư dân Quảng Ngãi cũng tổ chức một buổi lễ cúng trong làng tại các Vạn (Miếu thờ cá ông, hoặc vị thần linh trong làng). Tại đây, đầu tiên các lão ngư cùng với “Chủ vạn” dựng cây nêu và treo cờ lên sau đó mới bắt đầu sửa soạn các vật cúng, thắp nhang, khấn xin thần linh che chở cho ngư dân trong làng và cầu mong một năm mới tốt đẹp.
Đúng vào ngày này, chủ vạn ở địa phương sẽ đại diện cho các ngư dân đứng ra làm chủ lễ cầu khấn thần linh phù hộ cho anh em trong Vạn đi đánh bắt xa bờ được kết quả tốt, thu được nhiều và đặc biệt là đi đến nơi về đến chốn. Chủ Vạn làng Gành Cả, xã Bình Sơn, huyện Bình Châu nói: "Nhân dịp này, tôi thường khuyên anh em là bám biển, bám ngư trường truyền thống của mình là Hoàng Sa, Trường Sa; mỗi chiếc tàu là một cột mốc thiêng liêng giữa biển đảo quê hương.”
Cám ơn vì những gì được thần linh ban tặng trong năm vừa qua, cầu mong cho một năm với thắng lợi… đó là mục đích Tết “cúng thuyền” của ngư dân Quảng Ngãi. Sau lễ “cúng thuyền” và cúng tại Vạn cùng với các chủ thuyền khác, sáng mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, các chủ thuyền lại tiếp tục cúng và khởi hành chuyến biển đầu năm trong sự may mắn của thần linh ban tặng./.