Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Chuỗi cung và địa chính trị

Việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc đe dọa làm đứt gãy các chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp Mỹ vốn có lẽ chưa nhận thức đầy đủ sự phụ thuộc của họ đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một khu công nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ Geopolitical Futures ngày 11/6 nhận định việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đe dọa làm đứt gãy các chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp Mỹ vốn có lẽ chưa nhận thức đầy đủ sự phụ thuộc của họ đối với các sản phẩm Trung Quốc.

Những thảo luận về chuỗi cung đôi khi bao gồm cả những hàm ý về địa chính trị, mà nổi bật nhất là căng thẳng giữa các nước.

Nhưng mối liên hệ thì sâu sắc hơn: Chuỗi cung đóng vai trò địa chính trị và thiết yếu trong việc làm sao để địa chính trị cắt nghĩa được thế giới.

Có hai cách xem xét tác động từ đối đầu Mỹ-Trung. Trước hết, có vẻ như nó mang tính bất đối xứng toàn diện. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tương đương với 4% GDP của Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP của Mỹ.

Nếu như giao thương sụp đổ hoàn toàn, kinh tế Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, trong khi kinh tế Mỹ suy giảm ít.

Nhưng đây chỉ là kiểu phân tích tài chính vô định. Cách thứ hai về đánh giá tác động đối đầu cho thấy kinh tế thực phức tạp hơn nhiều.

Hệ thống tài chính quốc tế là một thực tế trừu tượng. Nó xác định giá trị của sản xuất và giao dịch, đồng thời tạo ra khuôn khổ cho dòng chảy đầu tư và tài chính.

Đây là những điều thực tế và quan trọng, nhưng soi xét kinh tế từ quan điểm tài chính sẽ chỉ hiểu được điều gì đã xảy ra, mà không biết điều gì đang xảy ra và sẽ xảy ra. Quy trình của chuỗi cung toàn cầu Khái niệm chuỗi cung khá đơn giản.

Tất cả các sản phẩm đều bắt nguồn từ một nguyên liệu thô, ví như từ dầu mỏ, Magie hay ngô. Nguyên liệu đó được tinh chế để có thể bán tới những người sẽ sử dụng vì các mục đích đa dạng - từ nấu ăn hay chế tạo điện thoại.

Sản xuất công nghiệp chính là việc dịch chuyển nguyên liệu thô từ nơi khởi nguồn - như mỏ hay nông trại, đến những địa điểm mà chúng sẽ được chế ra thành các sản phẩm cụ thể, đưa đến một nhà máy khác - nơi mà chúng sẽ được chế tạo sâu hơn sử dụng các hợp phần từ những nhà máy khác, và sau đó chuyển đến một chuỗi các nhà máy khác để từ đó chúng lại được tiếp tục tinh chế cho đến khi được bán tới tay người tiêu dùng.

Chuỗi có nhiều bộ phận với nhiều nhánh và các khâu di chuyển thay thế đưa một sản phẩm cụ thể đến nhiều điểm sản xuất những thứ dường như không liên quan đến nhau. Một mảnh vải có thể biến thành áo sơmi, hoặc cũng có thể là một phần nguyên liệu của một mũi khoan điện tử, hoặc được sử dụng để bọc đồ kim hoàn.

[Mỹ-Trung thiếu động lực để phá vỡ bế tắc trong chiến tranh thương mại]

Về tính chất, chuỗi cung toàn cầu rất phức tạp. Cũng rất khó để tạo ra một mô hình trựu tượng bởi chuỗi cung không đồng nhất. Những vật liệu không giống nhau với nguồn gốc khác nhau hoàn toàn liên tục dịch chuyển (trong chuỗi). Trong khi đó, dòng di chuyển tài chính thường lại trừu tượng, còn chuỗi cung lại có tính chất hiện hữu vốn có.

Chuỗi cung và chiến tranh thương mại Địa chính trị là việc nghiên cứu quốc gia nhà nước và mối quan hệ của nó với diễn biến bên ngoài và đôi khi là cả những diễn biến trong nước.

Nó coi kinh tế, chính trị và chiến tranh là những khía cạnh khác nhau của hành xử quốc gia, nhưng vẫn gắn kết trong một hệ thống đơn nhất. Địa chính trị sử dụng vấn đề địa lý để hiểu được giới hạn và động cơ mà ở đó một quốc gia nhà nước và những phần của nó tồn tại.

Địa chính trị xem quân sự là lực lượng hiện hữu và theo đó là nhân tố bị kiềm chế về mặt địa lý. Địa chính trị coi hệ thống chính trị được hình thành bởi vấn đề địa lý khi một quốc gia ra đời ở một thời điểm và không gian cụ thể.

Địa chính trị soi chiếu kinh tế với thiên hướng trừu tượng dưới lăng kinh tài chính, nhưng lại lĩnh hội lớn hơn khía cạnh có thể nắm bắt được và không gian địa lý của nền kinh tế, tức chuỗi cung.

Đối đầu Mỹ-Trung trước hết được biểu hiện ra là quan hệ tài chính được thúc đẩy bởi động cơ chính trị. Nhưng nó cũng có liên quan đến nỗi lo sợ của Trung Quốc về việc quân đội Mỹ phong tỏa Biển Đông, cũng như Mỹ lo sợ Trung Quốc tiến sang Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc e ngại chuỗi cung của mình về cả các mặt hàng thành phẩm xuất khẩu và nguyên liệu thô nhập khẩu sẽ bị đứt gãy. Thuế là vấn đề tài chính, Biển Đông là vấn đề quân sự. Cả hai đều là vấn đề kinh tế đáng lưu tâm trong chuỗi cung.

Bước đi của Mỹ là đòn đánh nhằm vào kinh tế Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc chính là việc họ không cần phải tấn công lại, để rồi một thực tế mới không tránh khỏi sẽ xuất hiện.

Tiến trình áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung mà nhiều doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào đó. Nói cách khác, tác động thuế sẽ lây đến Mỹ dưới hình thức gia tăng chi phí đối với chuỗi cung và người tiêu dùng.

Câu hỏi hiện nay là ai - Mỹ hay Trung Quốc, sẽ là bên phải chịu thiệt hại lớn hơn từ hành động của Mỹ. Vấn đề động chạm đến sức ép trong nước mà mỗi bên phải chịu đựng, cũng như nỗi lo sợ chiến lược lẫn nhau.

Khả năng chịu đựng tổn thất của mỗi bên phụ thuộc vào việc liệu có sẵn một chuỗi cung thay thế hay có thể dễ dàng tìm ra một chuỗi cung mới. Vấn đề nằm ở chỗ, giá trị sản phẩm càng lớn thì cấu thành chi tiết tạo nên nó càng phức tạp và chuỗi cung mang tính chuyên sâu ngày càng cao hơn.

Rất khó để nhanh chóng chuyển sang một hệ thống mới gia công sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm mới mà không cần đến những cấu thành này ở mức giá chạy đua với các đòn trừng phạt thuế quan.

Xâm nhập chuỗi cung được Mỹ xem là một công cụ trong quá khứ. Trận chiến chống Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2 được khởi đầu với việc Mỹ chặn đứng nguồn cung dầu và thép tới Nhật.

Chính quyền Regan trong những năm 1980 cũng ngăn cấm bán lúa mỳ cho Liên Xô. Điểm mới trong cuộc chiến thương mại hiện nay chính là việc các công ty Mỹ đã trở nên phụ thuộc vào các cấu thành chuỗi cung ở một số nước nhất định và họ không nhận thức được rằng có thể xảy ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung bởi chính bàn tay của chính phủ Mỹ.

Các công ty Mỹ có ý tự xem mình là trung tâm của nền kinh tế, chứ không phải là sự tổn hại mà người dân phải gánh chịu khi xảy ra cuộc chiến thương mại. Họ không nhận ra một vấn đề mấu chốt là cấu trúc của chuỗi cung có liên quan mật thiết đến chính trị và quan hệ giữa các quốc gia đang thay đổi liên tục.

Những công ty này rất tinh vi về chuỗi cung của mình, nhưng thường lại khờ khạo về an ninh địa chính trị của chuỗi cung. Mỹ đang ráo riết hơn về áp đặt quyền lực kinh tế, đồng thời dè dặt hơn trong áp đặt quyền lực quân sự. Đây là điều có thể đoán định được dưới góc độ địa chính trị.

Câu hỏi đặt ra với Mỹ và Trung Quốc hiện nay là: Cùng chịu tác động từ một hành động giống nhau, ai sẽ là người chịu thiệt hại lớn hơn? Trung Quốc đối diện suy giảm kinh tế, Mỹ đối diện đứt gãy chuỗi cung đối với một số công ty cụ thể, cũng như chi phí gia tăng đối với người tiêu dùng cá nhân.

Giá trị địa chính trị từ việc khảo sát câu hỏi này nằm ở chỗ nó soi xét chính trị, kinh tế, chiến tranh như là những phần khác nhau của cùng một sự vật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục