Đổi mới giáo dục thường xuyên gắn với mô hình “Công dân học tập”

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học "Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình "Công dân học tập" tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư."
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học "Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình "Công dân học tập" tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư."

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội thảo.

Đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chí của "Công dân học tập"

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng thực tế hiện nay nguồn nhân lực của đất nước, lực lượng lao động đang tham gia vào thị trường lao động còn yếu về chất lượng, thiếu kỹ năng làm việc và tác phong lao động công nghiệp.

Năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động nước ta có khoảng 55,16 triệu người, chiếm gần 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước; gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo.

Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động do thiếu năng lực sử dụng ngoại ngữ, thiếu năng động, sáng tạo, kiến thức thực tế. Điều này cho thấy Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ cấu đào tạo của nước ta cũng bất hợp lý vì sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán (STEM) là ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động tăng nhanh, bền vững chỉ có 23% sinh viên nam, 9% sinh viên nữ đăng ký học.

Do đó, năng suất lao động của Việt Nam tuy có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn các nước trong khu vực…

[Tranh cãi về trường chuyên: Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng]

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số sẽ đe dọa sự tồn tại của lực lượng lao động bởi thất nghiệp sẽ gia tăng.

Nếu không nhìn nhận đúng thời cơ-thách thức đối với hệ thống đào tạo của nước ta hiện nay, trước tiên là với hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề, kết quả đào tạo sẽ luôn đi sau sự phát triển của thực tiễn.

Với trách nhiệm là nơi đào tạo nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước phù hợp với mỗi giai đoạn, các trường đại học, trường nghề cần thiết phải xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực (gọi chung là tiêu chí cho các "Công dân học tập") của từng ngành để từ đó có nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân chính dẫn đến nguồn nhân lực có chất lượng thấp là do quản lý nhà nước, chất lượng đào tạo của các trường và do bản thân người lao động.

Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu nền kinh  tế số, phát triển dựa vào tri thức và bằng tri thức theo tiêu chí "Công dân học tập" tiếp cận dần theo tiêu chí "Công dân toàn cầu."

Theo đó, các công dân này cần có đầy đủ 2 tiêu chí về năng lực và phẩm chất. Trong đó, tiêu chí năng lực bao gồm 4 nhóm: Năng lực cá nhân (kỹ năng mềm); năng lực sử dụng các công cụ phục vụ quá trình lao động của bản thân; năng lực chuyên môn vượt trội đối với đồng nghiệp trong đơn vị, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao; năng lực thực hiện và giải quyết các quan hệ xã hội. Tiêu chí về phẩm chất bao gồm: đạo đức trong sáng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; đoàn kết, nhân ái, chia sẻ; có tinh thần hợp tác trong công việc.

Đây cũng chính là những năng lực, phẩm chất cần có của "Công dân học tập" thời kỳ Cách mạng 4.0 mỗi thành viên của nguồn nhân lực chất lượng cao cần có.

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, muốn làm được điều này cần phải đổi mới nhận thức, tư duy về nguồn nhân lực chất lượng cao và về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lãnh đạo tất cả các cấp, các ngành để có cách ứng xử đúng, chính xác hơn trong hoạch định chiến lược, trong đầu tư và chính sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhóm nhân lực này.

Tập trung đổi mới giáo dục thường xuyên

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dân tộc Việt Nam từ trước đến nay không chỉ có truyền thống yêu nước, hy sinh, chịu thương chịu khó, đặc biệt còn có truyền thống hiếu học.

Trước đây, Bác Hồ đã xóa mù cách mạng cho nhân dân, bây giờ phải xóa mù tri thức của nhân dân. Chỉ có cách đó, dân tộc mới nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và những cuộc cách mạng công nghiệp sau này.

Đổi mới giáo dục thường xuyên gắn với mô hình “Công dân học tập” ảnh 1 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tế hiện nay, giáo dục thường xuyên chưa được chú trọng phát triển, đổi mới. Nói đến giáo dục thường xuyên gần như mọi người coi rằng đây là một đẳng cấp chất lượng kém hơn rất nhiều.

Tư duy này cần phải thay đổi nhưng để thay đổi điều này, không chỉ giáo dục thường xuyên, ngay từ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học phải tiếp tục thực hiện đổi mới; phát huy sáng tạo của từng người dạy và học, từ đó hình thành một thói quen, khát khao học suốt đời.

Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống giáo dục thường xuyên phải thay đổi để không chỉ là nơi mang tính bổ túc văn hóa, còn phải gắn với chất lượng; các đơn vị liên quan cần có tiếng nói để cùng Đảng, Nhà nước thay đổi. Khi sử dụng, đánh giá cán bộ, đãi ngộ tri thức không chỉ căn cứ vào bằng cấp, phải căn cứ vào năng lực, trình độ thật sự. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng xây dựng đề án thí điểm; chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng và một số trường tiến hành tự thí điểm đổi mới giáo dục thường xuyên giống như tự thí điểm tự chủ đại học, tiến tới đổi mới quan điểm giáo dục thường xuyên là trình độ thấp, chất lượng kém.

Quá trình thực hiện cần chỉ đạo cấp ủy chính quyền vào cuộc, thực hiện với tinh thần quyết liệt, có vậy mới xây dựng được xã hội học tập, công dân học tập, đáp ứng được yêu cầu của đất nước.

Việc xây dựng xã hội học tập, công dân học tập, học tập suốt đời không phải là việc riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là việc của cả hệ thống phải làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục