Đời sống chính trị tại Mỹ Latinh "hứa hẹn" một năm đầy sôi động

Năm 2016, Mỹ Latinh sẽ sôi động với tổng tuyển cử ở Peru, CH Dominica và Nicaragua; chính sự tại Venezuela; chính quyền mới Argentina, hòa đàm chấm dứt nội chiến tại Colombia.

Tổng tuyển cử tại Peru, Cộng hòa Dominica và Nicaragua, mâu thuẫn giữa chính phủ và quốc hội tại Venezuela, chính quyền mới tại Argentina, cùng khả năng kết thúc hòa đàm chấm dứt nội chiến tại Colombia là những sự kiện báo trước năm 2016 sẽ là năm quan trọng trong đời sống chính trị khu vực Mỹ Latinh.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh ngày 5/1 dẫn tin từ tờ Infolatam số ra mới nhất nhấn mạnh sẽ có hai tân tổng thống bắt đầu nhiệm kỳ trong năm 2016, đó là Tổng thống Argentina Mauricio Macri, nhậm chức hôm 10/12 vừa qua và Tổng thống Guatemala Jimmy Morales sẽ nhậm chức vào ngày 14/1 tới.

Đời sống chính trị tại Mỹ Latinh "hứa hẹn" một năm đầy sôi động ảnh 1Tổng thống đắc cử Argentina Mauricio Macri (giữa) tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở thủ đô Buenos Aires ngày 10/12/2015. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Macri lên nắm quyền sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng hai với chênh lệch phiếu bầu so với đối thủ chỉ 2%. Với các cam kết tiến hành thay đổi triệt để, ông Macri cần có sự ủng hộ tại Quốc hội mà phe đối lập chiếm đa số.

Trong hoàn cảnh tương tự, Tổng thống Morales cũng cần có sự ủng hộ của cơ quan lập pháp mới có thể tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng và cải tổ chính trị đầy tham vọng như đã cam kết.

Đời sống chính trị tại Mỹ Latinh "hứa hẹn" một năm đầy sôi động ảnh 2Tổng thống Dilma Rousseff. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Tại Brazil, Tổng thống Dilma Rousseff sẽ phải đối mặt với phiên tòa xét xử trách nhiệm chính trị của bà này trước Quốc hội và có nguy cơ bị phế truất.

Trong năm 2016, bà Rousseff sẽ phải điều trần 10 lần ở Hạ viện với sự tham gia của đại diện tất cả các đảng phái. Bà Rousseff bị cáo buộc “làm đẹp” các chỉ số liên quan tới thâm hụt ngân sách năm 2014.

Trong khi đó, đi kèm với cuộc khủng hoảng chính trị, nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh cũng đang chìm sâu trong suy thoái với tỷ lệ tăng trưởng âm 3% và lạm phát tới 10%.

Đời sống chính trị tại Mỹ Latinh "hứa hẹn" một năm đầy sôi động ảnh 3Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mâu thuẫn sâu sắc giữa Chính phủ Venezuela và Quốc hội nước này cũng là vấn đề tốn nhiều bút mực.

Quốc hội mới do Liên minh Bàn Dân chủ (MUD) chiếm 2/3 số ghế nhậm chức từ ngày 5/1 đánh dấu một giai đoạn mới vô cùng khó khăn đối với chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro.

MUD đã từng tuyên bố sẽ tìm cách để phế truất ông Maduro trong năm nay.

Trong năm 2016 cũng diễn ra các cuộc trưng cầu dân ý tại Bolivia và Ecuador về việc cho phép các Tổng thống Evo Morales và Rafael Correa được quyền tái cử.

Dự kiến, ngày 21/2 tới, các cử tri Bolivia sẽ bỏ phiếu về việc ra tái cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp vào năm 2019 của Tổng thống Morales. Theo điều tra, 56% cử tri Bolivia cho rằng ông Morales hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo.

Tuy nhiên, cũng có tới 54% số ý kiến tuyên bố không ủng hộ sửa đối Hiến pháp cho phép ông tái cử.

Tại Ecuador, các nghị sỹ đảng cầm quyền chiếm đa số tại Quốc hội cũng muốn sửa đổi Hiến pháp để không hạn chế số nhiệm kỳ của tổng thống.

Nếu được thông qua, đây là quốc gia thứ 3 tại Mỹ Latinh, sau Nicaragua và Venezuela, không hạn chế số lần tái cử của tổng thống.

Trong khi đó, Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã nhất trí về thời hạn kết thúc hòa đàm là tháng 3/2016.

Sau tiến trình hòa đàm 3 năm với 44 vòng đàm phán được tiến hành tại thủ đô La Habana của Cuba, hai bên đã đạt thỏa thuận ở 5 trong số 6 trọng điểm bao gồm các nội dung cải cách ruộng đất toàn diện; quyền tham gia đời sống chính trị của FARC và thành viên; chống buôn bán ma túy, công tác ra phá bom mìn và vấn đề bồi thường cho nạn nhân của cuộc xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục