Đội tuyển Bồ Đào Nha: Đại gia... ai cũng muốn được đối đầu

Hòa Iceland là nỗi xấu hổ thực sự cho Bồ Đào Nha, nhất là trong bối cảnh EURO dễ đi sau khi được mở rộng thành 24 đội như hiện tại. "Brazil của ​châu Âu" vẫn giữ hình ảnh đại gia nhưng... ai cũng muốn
Đội tuyển Bồ Đào Nha: Đại gia... ai cũng muốn được đối đầu ảnh 1Bồ Đào Nha không thể thắng nổi Iceland. (Nguồn: Getty Images)

Hòa Iceland là nỗi xấu hổ thực sự cho Bồ Đào Nha, nhất là trong bối cảnh EURO dễ đi sau khi được mở rộng thành 24 đội như hiện tại. "Brazil của châu Âu" vẫn giữ hình ảnh đại gia nhưng... ai cũng muốn gặp.

Có một quy luật gần như bất thành văn trong giới báo chí bóng đá. Đó là nếu nhắc tới Bồ Đào Nha, Ronaldo sẽ xếp số một, còn thế hệ vàng của Luis Figo, Rui Costa hay Joao Pinto sẽ ở ngay sau.

Ở tuổi 31, Ronaldo đã xếp “chung mâm” về đóng góp ở cấp độ đội tuyển quốc gia với các bậc đàn anh, nhưng cả hai đều không mang ý nghĩa gì đó quá lớn. Bồ Đào Nha vẫn trắng tay ít nhất là cho tới trước trận chung kết vào ngày 11/7 tới.

Nhìn cách Seleccao chơi bóng trước Iceland, thật khó để mong chờ đội bóng của Ronaldo có thể làm được điều gì đó thực sự vượt trội trong một tháng tới. Những vấn đề trầm kha của bóng đá Bồ Đà Nha vẫn tồn tại, và thế hệ hiện tại không cho thấy được bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẽ thay đổi chúng.

Ronaldo là người đeo băng đội trưởng, nhưng CR7 không tạo ra được tầm ảnh hưởng tương xứng với tài năng của chính anh.

Nếu coi Bồ Đào Nha là một lớp học thì Ronaldo sẽ là cán sự Toán, người học giỏi nhất, vượt trội nhất so với chúng bạn. Vì lẽ đó Ronaldo được chọn luôn làm lớp trưởng, dù bản thân anh không thích hợp để làm những công việc lãnh đạo như ổn định tâm lý đồng đội, gây sức ép tới trọng tài (theo cách đại diện cho tập thể). Ronaldo ưa việc tập trung vào chính mình. Anh thích sút thay vì chuyền bóng cho đồng đội.

Điều Bồ Đào Nha cần ở tấm băng đội trưởng không nên là Ronaldo. Đó phải là một cái tên biết hy sinh vì tập thể, biết cách gắn kết những cá nhân với kỹ thuật cực tốt của Seleccao ở khía cạnh tinh thần.

Thật đáng tiếc cho Ronaldo, và cho cả Bồ Đào Nha khi đây cũng chính là thứ mà thế hệ vàng của Figo, Rui Costa hay Couto thiếu. Điểm khác biệt nào giữa đội Bồ Đào Nha vô địch giải World Cup lứa trẻ năm 1991 với Bồ Đào Nha thất bại ở mọi giải đấu lớn sau đó, với đủ mọi kịch bản, từ vòng bảng cho tới trận chung kết?

Câu trả lời đó chính là một người đội trưởng thực sự, người có thể dung hòa những cái tôi lớn bằng bản lĩnh của mình, thúc đẩy tiềm năng của từng đồng đội.

Đội tuyển Bồ Đào Nha: Đại gia... ai cũng muốn được đối đầu ảnh 2Ronaldo bất lực trước hàng thủ Iceland. (Nguồn: Getty Images)

Đội Bồ Đào Nha vô địch lứa trẻ giống như cậu cán sự Toán làm lớp trưởng của một lớp cấp 2, khi những đứa trẻ chưa hình thành đủ cá tính, người giỏi nhất sẽ có tiếng nói lớn nhất. Đội Bồ Đào Nha cấp đội tuyển quốc gia là một lớp đại học, cậu cán sự Toán cao cấp không thể dẫn dắt tập thể đó tới những thành tích cao khi chỉ biết học, và chỉ quan tâm tới thế mạnh của chính minh.

Đức, đại gia xịn của bóng đá thế giới, đội bóng được tổ chức kỷ luật tốt tới mức không cần một đội trưởng có cá tính vượt trội để trụ vững trên đỉnh cao đã quật ngã đại gia “dỏm” Bồ Đào Nha hừng hực của Ronaldo tới 4-0 tại trận ra quân của hai đội tại World Cup 2014.

Hai năm sau ngày đó, Đức đã thay đội trưởng nhưng vẫn vượt qua Ukraine 2-0 trong trận ra quân bằng bản lĩnh không thể phủ nhận. Còn những gì Bồ Đào Nha làm được là trận hòa như thua trước Iceland dù đã dẫn trước.

Sở hữu hàng loạt ngôi sao ở các tuyến cùng Ronaldo, Bồ Đào Nha vẫn là đại gia của lục địa già, nhưng tiến tới đâu tại EURO 2016 lại là câu chuyện khác. Bồ Đào Nha ở World Cup 2014 bị loại ngay từ vòng bảng. Còn kịch bản lần này sẽ là...?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục