Đồng bào Khmer đón lễ Chôl Chnăm Thmây ấm áp, an toàn phòng chống dịch

Các phần lễ chính của Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống vẫn được tổ chức nhưng hạn chế số người tham dự vừa để người dân ấm lòng, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng của đồng bào Khmer nói chung và đồng bào Khmer Bạc Liêu nói riêng.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2020 diễn ra trong mùa dịch COVID-19, do đó mùa Tết năm nay được đồng bào Khmer tổ chức theo tinh thần gọn nhẹ, đảm bảo an toàn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Dương Thành Trung, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết kết hợp vận động đồng bào đón Tết tại nhà, tránh tụ tập đông người để phòng, tránh dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ông Dương Thành Trung cũng đề nghị, các sư trụ trì, Ban quản trị chùa động viên đồng bào, phật tử chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, góp phần cùng địa phương phòng, chống dịch hiệu quả.

[Đón Tết Chôl Chnăm Thmây tiết kiệm và an toàn trong mùa dịch COVID-19]

Thượng tọa Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán (thành phố Bạc Liêu) khẳng định: Nhà chùa đặc biệt quan tâm đến tác hại của dịch COVID-19 nên đã thông báo để người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh.

Từ khi có chủ trương của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, nhà chùa đã ngừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao…

Các phần lễ chính của hoạt động tôn giáo, các lễ, tết theo truyền thống vẫn được tổ chức nhưng hạn chế số người tham dự vừa để người dân ấm lòng, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên cho biết, để đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2020 an vui, ấm áp, đúng tinh thần phòng, chống dịch bệnh COVD-19, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng 2.000 suất quà cho đồng bào Khmer thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo ở 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các phần quà được trao tận tay đến đồng bào Khmer, Ban Dân tộc và Tôn giáo cũng trao nhiều phần quà cho lãnh đạo các địa phương để bố trí đến trao tận nhà cho đối tượng thụ hưởng nhằm tránh tập trung người, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, một thùng mì gói cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác trị giá 300 ngàn đồng.

Ngoài ra, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu còn vận động các nhà tài trợ tặng mới và nghiệm thu 30 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá từ 30-50 triệu đồng cho 30 hộ Khmer nghèo khó khăn về nhà ở.

Theo Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, có thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/năm, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định là trên 90%.

Cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Nhóm đối tượng 4 quy định tại Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ đạt trên 90%.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cơ sở tổ chức triển khai các chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh ưu tiên chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã đặc biệt khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Tỉnh cũng đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và tổ chức hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hiện Bạc Liêu có khoảng 16.000 hộ đồng bào Khmer sinh sống với hơn 73.500 nhân khẩu ở 32/64 xã, trong đó 23 xã thuộc diện khó khăn.

Đồng bào Khmer sinh hoạt tôn giáo tại 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 7 ngôi chùa Salatel với gần 300 vị Chư tăng.

Tết Chôl Chnăm Thmây là Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, diễn ra từ ngày 14-16/4 hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục