Dòng chảy phương Bắc 2 có gây rạn nứt quan hệ châu Âu và Mỹ?

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 9,5 tỷ euro hiện là một trong những dự án năng lượng gây nhiều tranh cãi nhất thế giới vì gây rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ, giữa các nước châu Âu với nhau.
Dòng chảy phương Bắc 2 có gây rạn nứt quan hệ châu Âu và Mỹ? ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dự án đường dẫn khí đốt trị giá 9,5 tỷ euro Dòng chảy phương Bắc 2 (NS2), dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí tự nhiên từ Nga sang Đức từ năm sau, hiện là một trong những dự án năng lượng gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới.

Theo The Economist, mấy tuần gần đây, dự án đường ống dẫn khí ngầm dưới đại dương dài 1.200 km đã gây ra căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong nhiều năm qua, dự án này đã gây ra nhiều rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ cũng như giữa các nước châu Âu với nhau. Đức ủng hộ mạnh mẽ dự án này. Đan Mạch có ý định dừng việc xây dựng đường ống ngầm dẫn khí đi qua lãnh hải của mình.

Ba Lan thì cho rằng dự án này không mang tính cạnh tranh. Ukraine coi dự án này như là cách Nga sẽ thắt dây thòng lọng vào cổ họ.

Cho dù nhiều ý kiến khác nhau là vậy, công việc nạo vét đã bắt đầu được thực hiện và các công nhân sắp bắt đầu đặt các đường ống dẫn ngầm dưới biển Baltic. Câu hỏi đặt ra là tại sao dự án này lại gây ra vấn đề địa chính trị? Và liệu dự án này sẽ vẫn tiếp tục tiến hành bất chấp những ý kiến gây tranh cãi?

Nhiều khả năng Ukraine là nước có thể tạo ra điểm nóng gây tranh cãi nhất. Lý do đưa ra là NS2 giúp Nga có công cụ lợi thế để bắt nạt các nước láng giềng trong lĩnh vực khí tự nhiên.

Hầu hết khí đốt của châu Âu từ Nga tới các ngả của châu Âu qua đường Ukraine, đem lại cho công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine doanh thu là 2,8 tỷ USD trong năm 2017.

Đây là một khoản đóng góp quan trọng đối với ngân sách quốc gia của nước này.

 

[Nga phản ứng trước tuyên bố của Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2]

Ukraine sợ rằng khi dự án NS2 được hoàn thành, Nga sẽ chuyển đường cung cấp khí của họ sang châu Âu đi thẳng đến Đức, cắt đi phần thu nhập trung chuyển của Ukraine, làm què quặt nền kinh tế của họ.

Để ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga vì việc sáp nhập Crimea, Quốc hội Mỹ đã đe dọa trừng phạt những nước nào tham gia dự án NS2. Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia các cuộc hội đàm giữa Nga và Ukraine để đảm bảo tính công bằng. Nhưng một khi việc xây dựng đường ống này diễn ra thì sẽ khó khăn hơn trong việc buộc ông Putin phải đồng ý nhượng bộ Ukraine.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Obama đã rất nỗ lực để cô lập ông Putin và lên tiếng phàn nàn rằng NS2 có thể sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, và sẽ cô lập Ukraine.

Về phần mình, Nga đã đưa ra lập luận cho rằng mối quan tâm của Mỹ đối với Ukraine là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý. Trong mắt Nga, Mỹ muốn dừng thỏa thuận này để họ có thể bán được nhiều hơn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ sang châu Âu.

Và giờ đây, ông Trump đã ủng hộ lập luận này của Nga. Hồi tháng 7/ 2018, tại châu Âu, ông Trump đã chỉ trích việc Đức ủng hộ NS2 sau khi thừa nhận sự thực là Mỹ muốn tăng phần bán LNG sang châu Âu và sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga.

Thông điệp với hàm ý trái chiều của ông đã gây ra sự khó hiểu. Tuy nhiên, nó đưa đến một kết luận quan trọng: chính quyền của ông Trump không muốn sử dụng đến vũ khí lớn nhất mà họ có để ngăn chặn đường ống này: đó là các lệnh trừng phạt.

Vậy dự án NS2 sẽ tiếp tục được tiến hành? Và sẽ không có lệnh trừng phạt nào - có thể sẽ là như vậy. Những tập đoàn tài trợ tài chính cho dự án này gồm Gazprom và 5 công ty Uniper và Wintershall (Đức), OMV (Áo), Engie (Pháp), và Royal Dutch Shell (Hà Lan).

BASF, tập đoàn lớn của Đức, cho rằng cần phải có đường ống dẫn khí với Nga để cạnh tranh với những đối thủ đến từ Mỹ - hơn hết đó là vì khí đốt chuyển qua các đường ống dẫn khí có giá rẻ hơn LNG.

Nếu như dự án này tiếp tục được thực hiện, nó không chỉ đẩy Ukraine vào tình huống khó khăn trước Nga, mà dự án này còn khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn nữa vào nguồn khí đốt và đường ống dẫn khí của Nga khi mà những nguồn cung cho châu Âu gặp khó khăn.

The Economist cho rằng Đức dường như vẫn chưa nhận thức được thực tế khó khăn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục