Động đất Maroc: Cuộc chạy đua tìm người sống sót của lực lượng cứu hộ

Các nhóm cứu hộ đang tham gia nỗ lực tìm kiếm người sống sót sau trận động đất, trong khi nhiều người dân Maroc còn dùng tay không đào bới đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người thân.
Động đất Maroc: Cuộc chạy đua tìm người sống sót của lực lượng cứu hộ ảnh 1Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở làng Amizmiz, Maroc ngày 10/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/9, hơn 48 tiếng đồng hồ sau thảm họa động đất xảy ra tối 8/9 gây thương vong lớn nhất tại Maroc trong hơn 60 năm qua, lực lượng cứu hộ phải chạy đua với thời gian trong nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát.

Trong khi đó, một số địa danh nổi tiếng về văn hóa và du lịch đồng thời có ý nghĩa lịch sử lâu đời của Maroc, trong đó có thành phố cổ Marrakech, đã bị tàn phá. 

Tây Ban Nha và Anh đã cử các nhóm chuyên gia tìm kiếm cứu hộ và chó nghiệp vụ đến Maroc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ chính thức từ Rabat.

Các nhóm này hiện đang tham gia nỗ lực tìm kiếm người sống sót. Nhiều người dân Maroc còn dùng tay không đào bới đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người thân còn sống. 

Trong khi đó, những người sống sót sau thảm họa cũng đang gặp nhiều khó khăn như phải tìm nơi trú tạm thời và nhu yếu phẩm hằng ngày.

Trong bản tin tối 10/9, truyền hình nhà nước Maroc cho biết nhiều người sống sót sau động đất đã phải ngủ ngoài trời 3 đêm do nhà cửa của họ bị tàn phá hoặc hư hại. 

Tính đến thời điểm này đã có những ghi nhận về thiệt hại đối với các địa danh văn hóa và lịch sử của Maroc.

Thành phố cổ Marrakech - địa danh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới - đã bị hủy hoại.

Động đất cũng gây hư hại nặng đối với Thánh đường Hồi giáo Tinmel có từ thế kỷ 12. Thánh đường này nằm gần chấn tâm của trận động đất. 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Maroc khắc phục hậu quả của thảm họa động đất.

Phát biểu trên kênh truyền hình BFM của Pháp ngày 11/9, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết chính phủ nước này cam kết hỗ trợ 5 triệu euro (tương đương khoảng 5,4 triệu USD) cho các tổ chức đang tham gia công tác cứu trợ tại Maroc.

[Nhiều nước sẵn sàng hỗ trợ Maroc khắc phục hậu quả thiên tai]

Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin Hội Chữ thập Đỏ của Trung Quốc sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp 200.000 USD cho tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Maroc.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này triển khai công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả động đất. Qatar cũng đang điều một đội cứu hộ tới Maroc.

Trước đó, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) và các nước như Mỹ, Bỉ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Maroc.

Chính phủ Maroc cho biết nước này đã tiến hành đánh giá nhu cầu và cân nhắc nỗ lực phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế trước khi tiếp nhận hỗ trợ.

Hiện Maroc mới chỉ chính thức tiếp nhận viện trợ từ 4 nước, gồm Tây Ban Nha, Anh, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Động đất Maroc: Cuộc chạy đua tìm người sống sót của lực lượng cứu hộ ảnh 2Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau trận động đất ở Marrakesh, Maroc, ngày 10/9/2023. (Ảnh: Anadolu/TTXVN)

Trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.122 người, 2.421 người khác bị thương và san phẳng những ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas.

Nhiều ngôi nhà được xây bằng gạch bùn và gỗ hoặc gạch làm bằng than xỉ và ximăng, có kết cấu ít khả năng chống chịu động đất.

Theo truyền thông Maroc, hơn 18.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng. Tỉnh Al-Haouz - chấn tâm của trận động đất, cách trung tâm du lịch Marrakesh 72km về phía Tây Nam - ghi nhận 1.351 người thiệt mạng trong trận động đất này.

Chính phủ Maroc đã tuyên bố quốc tang 3 ngày. Theo lệnh của Nhà Vua Mohamed VI, Maroc đã bắt đầu thực hiện các nghi lễ quốc tang tưởng niệm các nạn nhân. Kể từ trưa 10/9, tất cả các công trình công cộng trên cả nước đều treo cờ rủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục