Trước đó, vào đầu phiên đồng euro vẫn tiếp tục giảm giá so với đồng USD, do lo ngại các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" tại châu Âu sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của khu vực này.
Đồng euro đã tăng lên 1,2555 USD, mức giá quá thấp đã khiến đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, và các nhà đầu tư tổ chức lại tung tiền ra mua đồng euro, đẩy đồng tiền châu Âu tăng lên so với đồng yên Nhật (116,67 yen).
Trong khi đó, giá vàng trên thị trường châu Á tiếp tục tăng nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư quay lưng lại với đồng euro do lo ngại các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" tại châu Âu sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của khu vực này.
Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn chưa có thêm động lực mới để vượt qua mức kỷ lục cao hiện tại.
Tính đến nay, vàng đã tăng sang đến tuần thứ tư liên tiếp, kéo dài bằng đợt tăng kết thúc vào tháng 11 năm ngoái.
Vào sáng 14/5 trên sàn giao dịch Singapore, giá vàng đạt 1.235,50 USD/ounce, tăng 3,67 USD/ounce so với lúc đóng cửa phiên ngày 13/5. Giá vàng kỳ hạn tháng Sáu cũng tăng thêm 6,6 USD/ounce lên 1.235,8 USD/ounce.
Trong bối cảnh giá vàng và đồng euro tăng nhẹ thì giá dầu trên thị trường châu Á đã giảm xuống dưới 74 USD/thùng, do nhu cầu năng lượng tại Mỹ sụt giảm cùng sự bất ổn ở khu vực eurozone.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore vào chiều 14/5, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ kỳ hạn tháng Sáu giảm 55 xu xuống còn 73,85 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng giảm 38 xu xuống 79,73 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Ben Westmore thuộc National Australia Bank (có trụ sở tại Melbourne) nhận định: "Nhân tố chính khiến giá dầu đi xuống trong phiên này là nhu cầu dầu tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, hiện khá yếu, và ở tại châu Âu cũng vậy. Để giá dầu có thể hồi phục trở lại, các kho dự trữ dầu của cả hai khu vực này cần phải giảm đi đáng kể."./.