Cho đến thời điểm này, công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới trên thực địa trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành tốt đẹp, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước.
Với những đóng góp quan trọng trong công tác tăng dày và tôn tạo kể trên, Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới Quốc gia đã vinh dự là một trong hai đơn vị của Bộ Ngoại giao được nhận danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.
Phát biểu tại Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt-Lào tháng 7/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước, là ‘hoa thơm, trái ngọt’ được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào."
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại buổi lễ cũng nhấn mạnh: “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào-Việt Nam với nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới giữa hai nước rõ ràng và chính xác, vĩnh viễn trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác về sự phồn thịnh của nhân dân hai nước và là tài sản vô giá truyền lại để cho các thế hệ con cháu của hai nước tiếp tục kế thừa."
Để có được thành quả đó, trong suốt giai đoạn từ năm 2008-2014, các cán bộ và chuyên viên của Vụ Biên giới phía Tây đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm chạy đua với thời gian để đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây Hoàng Ngọc Sơn cho biết, toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào dài trên 2.340km với nhiều khu vực có địa hình khó khăn, hiểm trở, thậm chí không có cả đường đi lại, nên công tác vận chuyển cột mốc và nguyên vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các cán bộ của Vụ Biên giới phía Tây cùng lực lượng cắm mốc đã thực hiện hơn 8.000 lần tiếp cận vị trí mốc, làm hàng nghìn km đường công vụ để vận chuyển hơn 5.000 tấn nguyên vật liệu, san ủi, đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất đá để phục vụ thi công, xây dựng cột mốc. Trong các đợt công tác, thành viên của đoàn nhiều khi phải đi bộ băng rừng, trèo đèo, lội suối hàng chục, thậm chí cả trăm km mới tiếp cận được vị trí mốc giới để khảo sát, thi công.
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Sơn, quá trình triển khai thực hiện dự án đã phát hiện một số vị trí mốc có sự sai khác giữa các tài liệu pháp lý, bản đồ đính kèm và địa hình trên thực địa. Do đó, cán bộ hai bên Việt Nam và Lào đã phải mất khá nhiều thời gian, công sức đi khảo sát thực tế, trao đổi và thống nhất phương án xử lý phù hợp nhất, bảo đảm mốc giới vừa được đặt ở vị trí bền vững và ổn định lâu dài, vừa thể hiện rõ đường biên giới hai nước.
Trong năm năm qua, Vụ Biên giới phía Tây đã chủ trì, phối hợp với phía bạn Lào tổ chức bảy cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc, 15 cuộc họp cấp Tổ chuyên viên pháp lý-kỹ thuật cắm mốc và gần 40 cuộc kiểm tra, làm việc song ph ương ngoài thực địa để giải quyết các công việc liên quan… Khó khăn bộn bề, nhưng với sự hiệp đồng chặt chẽ và nỗ lực cao độ của các cơ quan chức năng hai bên, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới trên thực địa đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Hai bên đã xây dựng được tổng số 1002 công trình mốc khang trang, hiện đại trên toàn tuyến biên giới và đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để tiến tới ký kết “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào” vào cuối năm 2015.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Anh Dũng tại Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 của Bộ Ngoại giao đã đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này và khẳng định: “Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào là một trong những nội dung hợp tác trọng điểm của hai quốc gia, thể hiện ý chí, nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, đối ngoại, an ninh-quốc phòng và kinh tế-xã hội, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau."
Chia sẻ về kinh nghiệm công tác, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây Hoàng Ngọc Sơn cho biết: “Công việc đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thời gian qua chính là sự tiếp nối và kế thừa lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đấu tranh kiên cường để giữ gìn nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong quá trình đó, chúng ta luôn kiên trì và khẳng định nguyên tắc là các bất đồng, tranh chấp về biên giới lãnh thổ phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp và thực thực tiễn quốc tế, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình và hữu nghị lâu dài giữa các dân tộc."
Hiện nay, Việt Nam đã giải quyết xong vấn đề biên giới với Lào và biên giới trên bộ với Trung Quốc. Khi công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia hoàn thành, thì lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Việt Nam có một đường biên giới chính thức, rõ ràng trên cả ba tuyến biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Điều này sẽ tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng đường biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước ngày càng phát triển./.