Động lực cho các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên

Các chuyên gia nhận định lời tái cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong diễn văn chào Năm Mới sẽ tạo động lực góp phần lay chuyển các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Động lực cho các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, phải) trong chuyến thăm núi Paekdu ngày 20/9/2018. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), ngày 1/1/2019, các chuyên gia nhận định rằng lời tái cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc phi hạt nhân hóa và bày tỏ sẵn lòng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong diễn văn chào Năm Mới sẽ tạo động lực có thể góp phần lay chuyển các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại yêu cầu của Kim Jong-un đòi Mỹ có các bước đi tương ứng và lời đe dọa rõ ràng rằng Triều Tiên sẽ tìm một con đường khác nếu Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt và gây sức ép có thể ngăn cản hai bên đạt được bất kỳ bước đột phá nào ngay lập tức trong thế bế tắc hiện nay.

Choi Yong-hwan, một nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, một tổ chức tư vấn có liên kết với Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, bình luận: “Kim Jong-un đe dọa Triều Tiên có thể đi theo một con đường mới, song dường như ông vẫn nhấn mạnh vào việc phi hạt nhân hóa. Kim Jong-un nói rằng ông ta có thể gặp lãnh đạo Mỹ vào bất cứ lúc nào. Việc chuẩn bị cho cuộc gặp này có thể tạo đà tiến triển."

Bài diễn văn của Kim Jong-un được theo dõi kỹ để tìm ra bất kỳ dấu hiệu nào có thể đẩy nhanh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington, vốn bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có hồi tháng 6/2018 ở Singapore.

Tại cuộc gặp này, Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ.

Thế bế tắc đã kéo dài trong nhiều tháng do Triều Tiên muốn các lệnh trừng phạt được nới lỏng, đổi lại những gì mà nước này cho là các bước đi phi hạt nhân hóa có ý nghĩa, trong đó có việc phá bỏ cơ sở thử hạt nhân chủ chốt của mình và ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân kể từ cuối năm 2017, trong khi Washington đòi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hơn.

Kim Jong-un phát biểu trong bài diễn văn được truyền hình: "Tôi luôn sẵn sàng ngồi nói chuyện với Tổng thống Mỹ vào bất kỳ lúc nào và nỗ lực để tạo một kết quả được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Tuy nhiên, chúng tôi (Triều Tiên) có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm một con đường mới nếu Mỹ không thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, đánh giá sai sự kiên nhẫn của chúng tôi, đồng thời tìm cách đơn phương ép buộc trong mọi vấn đề, theo đuổi các lệnh trừng phạt và gây sức ép."

[Năm 2019 rất quan trọng cho triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên]

Việc Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng mở lại khu công nghiệp chung Kaesong (hiện đang bị đóng cửa) và chương trình du lịch núi Kumgang "mà không có điều kiện nào" rõ ràng cho thấy đây có thể là một phần trong các đòi hỏi nới lỏng trừng phạt của nhà lãnh đạo này.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9/2018 ở Bình Nhưỡng, Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí "bình thường hóa" các mối quan hệ liên Triều ngay sau khi các điều kiện liên quan được đáp ứng.

Tuy nhiên, ít tiến triển được tạo ra kể từ đó.

Đòi hỏi nới lỏng các lệnh trừng phạt là một ưu tiên cấp bách của Triều Tiên, vốn đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo sự chuyển hướng chính sách công bố hồi tháng 4/2018 từ các nỗ lực "song hành" theo đuổi cả phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân.

Truyền thông của Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ theo đuổi các lệnh trừng phạt và gây sức ép, đồng thời chỉ trích Hàn Quốc bị các cường quốc bên ngoài sai khiến và không đi đầu trong việc mở rộng các quan hệ liên Triều.

Các đòi hỏi khác trong bài diễn văn của nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 1/1 là chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời đòi không đưa các vũ khí chiến lược của nước ngoài vào bán đảo Triều Tiên, những yêu cầu dường như đi liền với các lời kêu gọi của Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo, trong đó có cả Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên không tiết lộ bất kỳ bước đi phi hạt nhân hóa nào thêm mà Washington có lẽ đã muốn nghe hơn những điều khác. Tất cả mọi sự chú ý nay dồn vào việc Washington phản ứng ra sao trước bài diễn văn của Kim Jong-un.

Shin Beom-chul, một học giả làm việc lâu năm tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, một tổ chức tư vấn tư nhân, cho rằng Mỹ có thể cảm thấy áp lực từ câu nói "con đường mới" có thể đi mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đe dọa trong bài diễn văn của ông.

Shin Beom-chul giải thích: “Kim Jong-un chỉ ra rằng hành động mà Mỹ thực hiện cho đến nay là chưa đủ và kêu gọi các bước đi tương ứng, như nới lỏng các lệnh trừng phạt trước, điều có thể làm Washington cảm thấy nặng nề."

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng Kim Jong-un dường như đã thận trọng chọn lời lẽ của mình để không khiêu khích Mỹ và giữ triển vọng của các cuộc đàm phán hạt nhân.

Yang Moo-jin, Giáo sư trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói: "Bạn có thể thấy có ít sự chỉ trích nhằm vào Mỹ trong bài diễn văn này."

Vị giáo sư này lưu ý rằng Kim Jong-un dường như đã cố ý nói cụm từ "con đường mới" nhỏ lại để bày tỏ sự thất vọng của Bình Nhưỡng đối với các lệnh trừng phạt hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục