Động lực để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2018, Việt Nam có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.
Động lực để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam ảnh 1Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung đã có mặt và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chặng đường 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, theo các chuyên gia, đầu tư nước ngoài không chỉ là nguồn lực quan trọng đóng góp vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội mà đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

[Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là câu chuyện thành công về thu hút FDI]

Kết quả ấn tượng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến hết tháng 8/2018, Việt Nam có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

Ông cũng khẳng định, đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% vào năm 2017.

Hơn thế nữa, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7% tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, tại 3 trung tâm lớn nhất của đất nước là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, sự lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế của địa phương đã ghi nhận những dấu ấn rõ nét.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, đối với Thủ đô, khu vực doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trên cả góc độ đóng góp cho tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội và GDP, đóng góp cơ bản trong tỷ trọng gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu và tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất...

Ở một khía cạnh khác, khu vực FDI đã tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lãnh đạo Hà Nội cũng nhấn mạnh đến sự đóng góp của khu vực FDI trong việc hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp tập trung chuyên ngành, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố như điện tử vi tính, phương tiện vận tải, thực phẩm, dệt may...

Tính đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 4.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,38 tỷ USD.

"Với tổng vốn FDI khoảng 5,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước về thu hút FDI," ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI tính đến tháng 8/2018:

Tập trung ngành có hàm lượng chất xám cao

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp của khối FDI đã giúp cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Từ năm 2006 đến nay, làn sóng FDI có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, dược phẩm, cơ khi chính xác... Trong đó, nổi bật là dự án của Tập đoàn Intel vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh về công nghệ bán dẫn.

Khu công nghệ cao và Khu Công viên Phần mềm Quang Trung đã thu hút được khá nhiều dự án công nghệ thông tin, công nghệ cao theo đúng định hướng phát triển của thành phố với sự có mặt của các công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này như: BP, Samsung, Toshiba, Mercedes...

Trong lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp FDI đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thương mại của Thành phố, góp phần thay đổi phương thức cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến các doanh nghiệp, người dân thông qua hệ thống các kênh phân phối tiêu chuẩn quốc tế.

Đến thời điểm này, các hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm mang thương hiệu quốc tế như Mega Market Vietnam, Aeon, Lotte, BigC... đã mở nhiều hệ thống tại thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Với xu hướng hiện nay, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tập trung thu hút FDI theo hướng tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, cũng như phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, đồng thời khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư các ngành Thành phố đang ưu tiên phát riển như: Dịch vụ vận tải cảng và kho bãi, Y tế, Cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin...

“Trải thảm đỏ” hút doanh nghiệp FDI

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm "trải thảm đỏ" thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến thực hiện thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ các thủ tục liên quan đến đầu tư và tiếp cận đất đai, cụ thể về thủ tục, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất...

Một điểm nhấn nữa được ông Thơ đề cập đến chính là việc Đà Nẵng sẽ thiết lập các kênh hỗ trợ, cung cấp và giải đáp cho nhà đầu tư các thông tin về thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư cũng như hỗ trợ và phát triển các nhà đầu tư tại chỗ thông qua việc kết nối cung cầu, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh...

Ông Thơ cũng khẳng định ưu tiên của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hải sản, khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ mới, có thể hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân Đà Nẵng, đến nay địa phương này đã thu hút được 630 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 3,16 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi và tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua chỉ số, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế về xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh, tự do và ngân hàng. Theo đó, Việt Nam có thị trường lớn, chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định, vị thế vai trò cao hơn trong khu vực...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang được khơi thông. Trong đó có nỗ lực cải cách hạ tầng, xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường thuận lợi cho mọi hình thức đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Đây là những cơ sở, động lực để các nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam phát triển./.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về thành quả sau 30 năm thu hút FDI
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục