Đông Nam Á - "Điểm tựa" thương mại của nước Anh hậu Brexit

Hậu Brexit, nước Anh muốn cải thiện hình ảnh về một nhà đảm bảo an ninh khu vực đồng thời cho thấy sự hiện diện của một nước Anh độc lập với EU ở Đông Nam Á.
Đông Nam Á - "Điểm tựa" thương mại của nước Anh hậu Brexit ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab đang thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có chuyến công du tới Việt Nam, Campuchia và Singapore, ba quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế của Anh thời kỳ hậu Brexit (chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu).

Phát biểu với giới truyền thông, ông Rabb cho biết đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Anh đến Campuchia trong vòng ba thập kỷ vừa qua. Chuyến thăm này tập trung chính vào thương mại, với mục tiêu làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương giữa Anh với mỗi nước.

Do tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát tại Malaysia nên lịch công tác của ông Rabb không bao gồm Kuala Lumpur. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Ngoại trưởng Anh đã từng có mặt tại nước này trong một chuyến đi nhằm quảng bá chiến lược "Nước Anh toàn cầu" của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson.

Trong bài phân tích đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy Australia, Giáo sư Rahul Mishra của Viện Á-Âu thuộc Đại học Malaya (Malaysia) nhận định hậu Brexit, nước Anh muốn cải thiện hình ảnh về một nhà đảm bảo an ninh khu vực đã cũ kỹ của mình, đồng thời cho thấy sự hiện diện của một nước Anh độc lập với Liên minh châu Âu (EU) ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

[Brexit và những lợi ích chiến lược đối với các nước ASEAN]

Nước Anh không chỉ ký thỏa thuận thương mại với Việt Nam và Singapore, mà còn với Nhật Bản và Australia. Để giữ đà phát triển thương mại, nước Anh cũng đã cam kết sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của EU vẫn còn rất rõ ràng. Ví dụ như có sự tương đồng đáng kể giữa Hiệp định thương mại EU-Singapore và Anh-Singapore.

Tại Singapore, ông Raab cũng thông báo rằng mục tiêu là đưa hợp tác song phương về kinh tế kỹ thuật số vào chương trình nghị sự. Điều đó nói lên rằng thương mại không phải là khía cạnh duy nhất cho sự tái hiện diện của nước Anh tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chiến hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh đã đi đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, trùng hợp với quãng thời gian ông Raab thăm khu vực này.

Chuyến hành trình của HMS Queen Elizabeth được thiết kế nhằm giới thiệu khả năng quân sự của Vương quốc Anh với bạn bè và đối tác, thể hiện sự ủng hộ đối với nước Mỹ, quốc gia đã tiến hành thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOPS) gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Đồng thời, nó khẳng định nguyên tắc của trật tự dựa trên luật lệ và phối hợp chặt chẽ với những các quốc gia ủng hộ chính cho nguyên tắc này, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ.

Vương quốc Anh cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện qua nội dung nêu bật trong báo cáo "Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại: Nước Anh Toàn cầu trong Thời đại Cạnh tranh," được phát hành vào tháng 3/2021.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của nước Anh, vì tổ chức khu vực này luôn mong muốn giữ được càng nhiều sự can dự của các cường quốc lớn và trung bình càng tốt.

Bên cạnh đó, việc nước Anh sẽ sớm tham gia với tư cách đối tác đối thoại của ASEAN là một khía cạnh mục tiêu xa hơn so với sự hiện diện của nước này tại khu vực.

Nước Anh có mối quan hệ lịch sử lâu đời với Singapore và Malaysia thông qua Thỏa thuận phòng thủ Năm cường quốc (FPDA), một hiệp ước quốc phòng bao gồm cả Australia và New Zealand. Và thông qua Khối thịnh vương chung, Anh cũng có mối quan hệ chặt chẽ với từng thành viên là Brunei, Malaysia và Singapore.

Nhưng việc làm "hồi sinh" các mối quan hệ cũ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. London sẽ phải hành động rất nhiều để giành được ảnh hưởng mà EU và các cường quốc hàng đầu của khối này, gồm Pháp và Đức, đang nắm giữ.

Pháp, quốc gia đã đưa ra chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, về mặt địa lý là một phần của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các thuộc địa và về mặt lịch sử là một bên đóng vài trò khá quan trọng ở Đông Nam Á. Các chuyến thăm của tàu Pháp tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng thường xuyên hơn, trong khi quan hệ đối tác của Pháp với các quốc gia Đông Nam Á cũng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Điều này bao gồm khuôn khổ hợp tác tiểu đa phương giữa Ấn Độ-Australia -Pháp mới được thiết lập, bên cạnh chiến lược ba mũi nhọn của Pháp nhằm hợp tác với Ấn Độ ở Nam Ấn Độ Dương.

Do đó, chuyến thăm của ông Raab được coi là bước ngoặt khá bất ngờ vì hai trong số các điểm đến trong hành trình của Ngoại trưởng Anh đã từng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Pháp.

Đức cũng có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với cả ba nền kinh tế lớn của châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. EU đã có hiệp định thương mại với Nhật Bản và các cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ nhiều khả năng sẽ được nối lại.

Năm 2020, Đức là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU vào ASEAN, đồng thời cũng là là nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực. Cần lưu ý rằng đây không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai trong số ba quốc gia mà ông Raab đã đến thăm là điểm đến lớn nhất (Singapore) và lớn thứ hai (Việt Nam) về xuất khẩu hàng hóa của EU vào thị trường ASEAN trong năm 2020.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng động lực và thiện cảm là đáng khen ngợi, nhưng kế hoạch cụ thể sẽ quan trọng hơn. Về mặt đó, CPTPP có thể không chỉ giúp Anh lấp đầy khoảng trống thương mại thời kỳ hậu Brexit, mà còn tạo ra những cơ hội mới.

Về bản chất, chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh nên được xem là nỗ lực của London nhằm tạo dựng nền tảng kinh tế và chính trị đã mất ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Nhưng để giành lại những người bạn cũ và tái thiết lập ảnh hưởng trong khu vực, nước Anh sẽ phải vượt qua cả mục tiêu bắt kịp EU và phải đi xa hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục