Đông Nam Á - Mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp

Cộng đồng rộng lớn gồm nhiều chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao kết hợp với trình độ tiếng Anh tốt tại nơi làm việc khiến Đông Nam Á trở thành một khu vực hấp dẫn để đầu tư cho các công ty công nghệ.
Đông Nam Á - Mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp ảnh 1Grab là một ví dụ về sự phát triển vượt bậc của các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á. (Ảnh: Reuters)

Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến khu vực Đông Nam Á phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng.

Mức độ phát triển kinh tế mà khu vực đạt được trong những năm gần đây đã khiến Đông Nam Á trở thành trung tâm của các thị trường mới nổi và các nhà đổi mới sáng tạo về công nghệ.

Theo giới quan sát, không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á đã trở thành một cứ điểm cho các công ty khởi nghiệp (startup).

"Mảnh đất màu mỡ"

Bà Nancy Wang, Tổng Giám đốc Dịch vụ bảo vệ dữ liệu của Amazon Web Services (AWS) và nhà sáng lập tổ chức Advancing Women in Tech, cho biết ngoài đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kỹ năng và trình độ học vấn của người dân Đông Nam Á đã giúp khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.

Nghiên cứu của S&P Global Market Intelligence cho thấy khu vực bao gồm 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3.300 tỷ USD (tính tới năm 2021) đã trở thành một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế thế giới.

Theo báo cáo đầu tư năm 2023 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực nhận thấy đà tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại.

Trích dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), báo cáo lưu ý rằng khu vực này ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 5,6% vào năm 2022 và 6,0% vào năm 2023, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến lần lượt là 3,4% và 2,9%.

Một báo cáo khởi nghiệp của ASEAN lưu ý rằng năm 2018, khu vực này có ít nhất 5.800 công ty khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), giải pháp doanh nghiệp, dữ liệu lớn (Big Data), hàng tiêu dùng và dịch vụ.

Từ năm 2013 đến năm 2022, khu vực này đã sản sinh ra 52 “kỳ lân” - chỉ các công ty khởi nghiệp có mức định giá vượt 1 tỷ USD.

Các “kỳ lân” của Đông Nam Á bao gồm dịch vụ chia sẻ xe Grab, nền tảng thương mại điện tử Lazada, ứng dụng du lịch Traveloka và các công ty công nghệ tài chính Mynt và Coda Payments.

Theo bà Wang, cộng đồng rộng lớn gồm nhiều chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao trong khu vực, kết hợp với trình độ tiếng Anh tốt tại nơi làm việc khiến Đông Nam Á trở thành một khu vực hấp dẫn để đầu tư cho các công ty công nghệ.

Bà Wang đã nhắc tới Grab, một công ty chuyên về dịch vụ gọi xe là một ví dụ về sự phát triển vượt bậc của các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á.

Bà lưu ý rằng cách tiếp cận "phục vụ theo nhu cầu của nền kinh tế địa phương" của Grab ở Malaysia đã trở thành lợi thế giúp công ty vượt lên Uber của Mỹ.

Grab đánh vào thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Malaysia, điều mà đối thủ đến từ Mỹ không cung cấp trên ứng dụng của họ. Dựa trên ví dụ về Grab, bà Wang nhấn mạnh các công ty khởi nghiệp cần được xây dựng để giải quyết các vấn đề sở tại.

Điểm đến thu hút bất chấp nhiều thách thức

Tuy nhiên, Đông Nam Á giai đoạn gần đây đã bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu và lo ngại về suy thoái kinh tế.

Theo hãng tin Nikkei Asia, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á chỉ huy động được 17,79 tỷ USD vào năm 2022. Con số đó đã giảm 31% so với mức kỷ lục 25,75 tỷ USD vào năm 2021.

Chỉ 8 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á được coi là "kỳ lân" vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với 23 công ty của năm trước đó.

Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ tăng lên khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19 và ngày càng có nhiều quỹ và kênh đầu tư đổ vào khu vực.

Đông Nam Á - Mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bất chấp những thách thức hiện thời, bà Wang tin rằng xu hướng tập trung số hóa nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á đã và sẽ giúp các công ty khởi nghiệp về công nghệ và tài chính trong khu vực phát triển.

Đối với doanh nhân người Đức Simon Bacher, chính nền văn hóa sôi động và nền kinh tế thịnh vượng của Đông Nam Á đã thôi thúc ông thành lập một công ty khởi nghiệp về giáo dục có tên Ling ở Thái Lan.

Ông lưu ý rằng chi phí điều hành doanh nghiệp thấp - bao gồm lương nhân viên, tiền thuê văn phòng và đồ ăn thức uống - đã mang đến cho ông và đồng sự nhiều cơ hội hơn để phát triển công ty khởi nghiệp của mình với ngân sách hạn chế.

[Bloomberg: Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn các công ty khởi nghiệp]

Dù còn nhiều thách thức mà các công ty khởi nghiệp phải đối mặt ở Đông Nam Á, chẳng hạn như quy trình đăng ký kéo dài đối với người nước ngoài và việc thích nghi với văn hóa bản địa, ông Bacher chia sẻ rằng Ling App đã phát triển thành công trong khu vực, nâng số nhân viên ban đầu từ chỉ 5 người lên hơn 40 người hiện tại.

Bằng cách tạo điều kiện để các doanh nhân đưa hoạt động kinh doanh lên Internet và  nền tảng đám mây, các quốc gia Đông Nam Á đã cho phép các công ty khởi nghiệp địa phương thực hiện bước nhảy vọt trong thời đại kỹ thuật số.

Bà Wang cho biết thêm điều này đã giúp các công ty khởi nghiệp tránh được "hành trình đau đớn và có thể tẻ nhạt" của việc hiện đại hóa bản thân.

Khi được hỏi liệu các công ty khởi nghiệp có ưu tiên tìm tới một số quốc gia trong khu vực hay không, bà Wang cho biết các doanh nhân nên sử dụng một bộ tiêu chí cụ thể hơn là tìm kiếm một quốc gia cụ thể.

Theo bà, những người đang ôm ấp hy vọng khởi nghiệp nên xem xét trình độ tiếng Anh, khả năng hoạt động trên quy mô toàn cầu, trình độ kỹ thuật và nhu cầu rủi ro của quốc gia họ đang xem xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục