“Dòng thác người" đang đổ về Công viên Thủ Lệ

Ở ngã năm Kim Mã, “dòng thác” đổ về công viên Thủ lệ. Quá tải nào trẻ con, người lớn, nam thanh nữ tú, nào hàng quán đua nhau…
Sau biết bao sự chờ đợi và háo hức nay được tận mắt chứng kiến cảnh các đoàn diễu binh diễu hành đi qua nhiều ánh mắt đùng đục chợt hoe đỏ. Người lớn tuổi bỗng bần thần xúc động còn những người trẻ thì tung hô, nao nức.

Ngay khi các khối diễu binh, diễu hành hướng thứ thứ hai từ đường Nguyễn Thái Học về Ngọc Khánh và kết thúc ở khu vực khách sạn Daewoo cũng là lúc dòng người nghìn nghịt như thác lũ túa đi khắp các nẻo phố phường chật hẹp của Hà Nội. Chưa bao giờ Hà Nội náo nhiệt, tưng bừng và đông đúc đến thế, khi người người ken nhau từng xăng-ti-mét đường.

Ở ngã năm Kim Mã, “dòng thác” đã đổ về công viên Thủ lệ. Quá tải nào trẻ con, người lớn, nam thanh nữ tú, nào hàng quán đua nhau… Những chiếc thuyền vịt chạy hết công suất được dịp thả khắp mặt hồ xanh khiến lực lượng cứu hộ phải liên tục chạy quanh nhằm đảm bảo an toàn cho người chơi.

Ngay đến lan-can bao quanh hồ cũng kín người vừa ngồi vừa thở vì chặng đường chen quá mệt. Như anh Giang ở Bắc Nình vừa leo lên đã rút điện thoại dáo dác gọi tìm người thân.

Chứng kiến cảnh vạ vật của người dân ở Công viên Thủ lệ sáng 10/10 mới thấy sức hút của cái mà họ gọi là “ngàn năm mới có một lần” kinh khủng thế nào. Rất nhiều bà con nông dân ở các tỉnh xa từ vài ngày trước đã tất tưởi cơm nắm muối vừng lên Thủ đô mừng Đại lễ dù họ biết về phố sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nơi ăn chốn ngủ, với giao thông đông đúc.

“Nhưng có xá gì hả cô. Cả nghìn năm mà phải chịu khổ có vài ngày như thế cũng đáng lắm. Khổ nhưng về chết đi rồi cũng không ân hận,” người đàn ông với màu bạc đã phủ gần hết mái đầu quê Hải Phòng nói.

Cho đến 16 giờ chiều, dòng người vẫn không ngừng đổ về Công viên Thủ lệ khiến các cổng vào đều chật cứng người xe dù họ vẫn biết chứ, vào đó sẽ chỉ để người ngắm người mà thôi. Anh Vinh đến từ Ninh Bình nói vui: “Thế này thì cần gì phủ xanh đất trống đồi trọc nữa khi mà người còn đông hơn cả cây rừng…”.

Những bé em theo bố mẹ, ông bà từ sớm lúc này dường như đã gần kiệt sức rồi, khỏe thì vẫn mếu máo được chứ có em mệt quá chỉ còn biết lả đi, oặt ẹo trên tay, trên lưng người lớn.

Trên những bãi cỏ lớn của Công viên, người người chen chúc, chỉ ngồi mà nhìn dòng người qua lại thôi cũng đã đủ chóng mặt, hoa mắt. Và, lúc này nét mặt háo hức, vui sướng khi xem diễu binh diễu hành hồi sáng đã dần thay thế bằng vẻ mặt mệt mỏi, thẫn thờ…./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục