Trong hơn nửa thế kỷ, đồng đôla Mỹ (USD) không chỉ là đồng tiền của riêng nước Mỹ mà còn của cả thế giới.
Nó được sử dụng trong giao dịch xuyên biên giới và là đồng tiền dự trữ cơ bản của ngân hàng trung ương và chính phủ các nước. Tuy nhiên, ngay cả trước khi xảy ra các cuộc tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công, đồng USD đã bắt đầu mất dần "ánh hào quang" của mình.
Tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng đã giảm xuống chỉ còn hơn 60%, từ mức 70% cách đây một thập niên. Lý do giải thích hết sức đơn giản, đó là Mỹ không còn thống trị nền kinh tế thế giới ở quy mô như trước đây nữa. Điều đó có nghĩa là hệ thống tiền tệ quốc tế cần có sự điều chỉnh theo sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu theo hướng trở nên đa cực hơn.
Trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay phải chia sẻ vai trò lãnh đạo thế giới với các nền kinh tế khác, đồng USD cũng sẽ phải dọn chỗ cho các đồng tiền quốc tế khác.
Trong cuốn sách mới xuất bản có nhan đề "Exorbitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar" (tạm dịch là "Đặc quyền thái quá: Sự thăng trầm của đồng USD"), Barry Eichengreen, Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học California, Berkeley, đã phác họa về một tương lai mà trong đó USD và euro sẽ là những đồng tiền thống trị toàn cầu. Và trong 10 năm hoặc hơn sau đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng có tiềm năng trở thành một đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, Giáo sư Barry loại trừ vai trò Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo Giáo sư, nhiều người có thể cho rằng SDR, với tư cách là rổ 4 đồng tiền mạnh (gồm USD, euro, yen Nhật và bảng Anh) có thể có sức hấp dẫn đối với ngân hàng trung ương và chính phủ những nước muốn tìm kiếm sự an toàn tài chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện SDR rất rắc rối và loại tiền tệ đặc biệt này không được giao dịch trên bất kỳ một thị trường cá thể nào. Ông Barry cho rằng hiện nay vẫn chưa có một sự thay thế thực tế nào cho một tương lai mà trong đó USD và euro tiếp tục thống trị các giao dịch quốc tế.
Điều khác biệt hiện nay đó là người ta đã có gì đó ác cảm với hai đồng tiền này. Những tranh cãi vừa qua tại Mỹ về việc nâng trần nợ công đã dấy lên nghi ngờ trong ngân hàng trung ương các nước về sự khôn ngoan trong việc dự trữ bằng đồng USD, trong khi thất bại của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục thổi bùng những nghi ngại về khả năng sống sót của đồng euro.
Trước đây, hoàn toàn có thể tưởng tượng về một danh mục dự trữ quốc tế với đồng USD và euro làm bá chủ, nhưng ngày nay, ngân hàng trung ương nhiều nước đang vội vã tìm kiếm các công cụ thay thế. Tuy nhiên, vấn đề là họ không còn nơi nào để đi. Thị trường vàng thì quá nhỏ và có nhiều bất ổn. Trái phiếu của Trung Quốc vẫn chưa đủ giá trị. Các đồng tiền cấp hai, như đôla Canada (CAD), franc Thụy Sỹ, và đôla Australia (AUD), vẫn chỉ là những "người lùn" trở nên cao lớn hơn chút đỉnh khi kết hợp với nhau.
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đang tìm kiếm một sự thay thế cho đồng USD và euro, liệu hiện nay đã là thời điểm hoàn hảo để mở rộng vai trò của SDR? Tại sao không phát hành nhiều hơn? Tại sao không phát triển các thị trường để giao dịch loại tiền tệ đặc biệt này? Chẳng phải đây là một cơ hội có một không hai để thay đổi một thế giới, nơi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nắm quyền quyết định nguồn thanh khoản quốc tế? Nhưng không may câu trả lời lại là không.
Điều này hầu như vẫn chưa có gì thay đổi trong năm qua: SDR vẫn chưa phải là một lựa chọn hấp dẫn đối với ngân hàng trung ương các nước đã "vỡ mộng" đối với đồng USD và euro. Lý do là rất rõ ràng: đồng USD và euro chiếm tới 80% trong rổ tiền tệ tạo nên SDR. Mở rộng rổ tiền tệ này với việc đưa thêm đồng tiền của các thị trường đang nổi có thể giúp giải quyết vấn đề song không nhiều, vì Mỹ và châu Âu vẫn chiếm phân nửa nền kinh tế thế giới và hơn 50% thị trường tài chính toàn cầu. SDR sẽ không có nhiều tác dụng bảo vệ nếu đồng USD và euro bị mất dần giá trị.
Có một ý tưởng hay hơn đó là ngay từ bây giờ thế giới bắt tay vào việc tạo ra một tài sản dự trữ toàn cầu hấp dẫn hơn. Công cụ lý tưởng này sẽ là một trái phiếu liên quan tới GDP toàn cầu, với lợi nhuận thu được thay đổi theo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới, giống như lợi nhuận từ chứng chỉ GDP mà Chính phủ Costa Rica và Argentina phát hành, với lãi suất được tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế nước họ.
Điều này cho phép ngân hàng trung ương các nước nắm giữ những công cụ có tác dụng như một danh mục đầu tư chứng khoán toàn cầu hết sức đa dạng. Chúng sẽ được đền bù cho lạm phát và sự giảm giá đồng tiền tại Mỹ và châu Âu, vì lãi suất tùy thuộc vào GDP danh nghĩa chứ không phải GDP thực tế của các nền kinh tế này. IMF có thể sử dụng khả năng phát hành trái phiếu để thu mua các trái phiếu dựa trên chỉ số GDP từ chính phủ các nước, theo đó tạo ra các tài sản dự trữ toàn cầu mới có khả năng hỗ trợ và mang lại lợi nhuận, đồng thời khuyến khích chính phủ các nước phát hành chúng.
Chuyên gia kinh tế Robert Shiller thuộc trường Đại học Yale từ lâu đã lập luận rằng chính phủ nên phát hành các trái phiếu GDP, coi đây như một cách thức an toàn hơn để vay mượn, song việc thuyết phục họ lại rất khó khăn. Do đó, việc thuyết phục họ ủng hộ IMF phát hành trái phiếu tính theo chỉ số GDP toàn cầu thậm chí còn khó hơn. Nhưng nếu chính phủ và ngân hàng trung ương các nước quan tâm tới việc tìm kiếm các công cụ thay thế cho đồng USD và euro, đây chính là thời điểm để bắt đầu, và các trái phiếu tính theo GDP chính là một lựa chọn cần được xem xét./.
Nó được sử dụng trong giao dịch xuyên biên giới và là đồng tiền dự trữ cơ bản của ngân hàng trung ương và chính phủ các nước. Tuy nhiên, ngay cả trước khi xảy ra các cuộc tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công, đồng USD đã bắt đầu mất dần "ánh hào quang" của mình.
Tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng đã giảm xuống chỉ còn hơn 60%, từ mức 70% cách đây một thập niên. Lý do giải thích hết sức đơn giản, đó là Mỹ không còn thống trị nền kinh tế thế giới ở quy mô như trước đây nữa. Điều đó có nghĩa là hệ thống tiền tệ quốc tế cần có sự điều chỉnh theo sự thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu theo hướng trở nên đa cực hơn.
Trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay phải chia sẻ vai trò lãnh đạo thế giới với các nền kinh tế khác, đồng USD cũng sẽ phải dọn chỗ cho các đồng tiền quốc tế khác.
Trong cuốn sách mới xuất bản có nhan đề "Exorbitant Privilege: The Rise and Fall of the Dollar" (tạm dịch là "Đặc quyền thái quá: Sự thăng trầm của đồng USD"), Barry Eichengreen, Giáo sư Kinh tế và Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học California, Berkeley, đã phác họa về một tương lai mà trong đó USD và euro sẽ là những đồng tiền thống trị toàn cầu. Và trong 10 năm hoặc hơn sau đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng có tiềm năng trở thành một đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, Giáo sư Barry loại trừ vai trò Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo Giáo sư, nhiều người có thể cho rằng SDR, với tư cách là rổ 4 đồng tiền mạnh (gồm USD, euro, yen Nhật và bảng Anh) có thể có sức hấp dẫn đối với ngân hàng trung ương và chính phủ những nước muốn tìm kiếm sự an toàn tài chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện SDR rất rắc rối và loại tiền tệ đặc biệt này không được giao dịch trên bất kỳ một thị trường cá thể nào. Ông Barry cho rằng hiện nay vẫn chưa có một sự thay thế thực tế nào cho một tương lai mà trong đó USD và euro tiếp tục thống trị các giao dịch quốc tế.
Điều khác biệt hiện nay đó là người ta đã có gì đó ác cảm với hai đồng tiền này. Những tranh cãi vừa qua tại Mỹ về việc nâng trần nợ công đã dấy lên nghi ngờ trong ngân hàng trung ương các nước về sự khôn ngoan trong việc dự trữ bằng đồng USD, trong khi thất bại của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục thổi bùng những nghi ngại về khả năng sống sót của đồng euro.
Trước đây, hoàn toàn có thể tưởng tượng về một danh mục dự trữ quốc tế với đồng USD và euro làm bá chủ, nhưng ngày nay, ngân hàng trung ương nhiều nước đang vội vã tìm kiếm các công cụ thay thế. Tuy nhiên, vấn đề là họ không còn nơi nào để đi. Thị trường vàng thì quá nhỏ và có nhiều bất ổn. Trái phiếu của Trung Quốc vẫn chưa đủ giá trị. Các đồng tiền cấp hai, như đôla Canada (CAD), franc Thụy Sỹ, và đôla Australia (AUD), vẫn chỉ là những "người lùn" trở nên cao lớn hơn chút đỉnh khi kết hợp với nhau.
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đang tìm kiếm một sự thay thế cho đồng USD và euro, liệu hiện nay đã là thời điểm hoàn hảo để mở rộng vai trò của SDR? Tại sao không phát hành nhiều hơn? Tại sao không phát triển các thị trường để giao dịch loại tiền tệ đặc biệt này? Chẳng phải đây là một cơ hội có một không hai để thay đổi một thế giới, nơi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nắm quyền quyết định nguồn thanh khoản quốc tế? Nhưng không may câu trả lời lại là không.
Điều này hầu như vẫn chưa có gì thay đổi trong năm qua: SDR vẫn chưa phải là một lựa chọn hấp dẫn đối với ngân hàng trung ương các nước đã "vỡ mộng" đối với đồng USD và euro. Lý do là rất rõ ràng: đồng USD và euro chiếm tới 80% trong rổ tiền tệ tạo nên SDR. Mở rộng rổ tiền tệ này với việc đưa thêm đồng tiền của các thị trường đang nổi có thể giúp giải quyết vấn đề song không nhiều, vì Mỹ và châu Âu vẫn chiếm phân nửa nền kinh tế thế giới và hơn 50% thị trường tài chính toàn cầu. SDR sẽ không có nhiều tác dụng bảo vệ nếu đồng USD và euro bị mất dần giá trị.
Có một ý tưởng hay hơn đó là ngay từ bây giờ thế giới bắt tay vào việc tạo ra một tài sản dự trữ toàn cầu hấp dẫn hơn. Công cụ lý tưởng này sẽ là một trái phiếu liên quan tới GDP toàn cầu, với lợi nhuận thu được thay đổi theo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới, giống như lợi nhuận từ chứng chỉ GDP mà Chính phủ Costa Rica và Argentina phát hành, với lãi suất được tính theo tốc độ tăng trưởng kinh tế nước họ.
Điều này cho phép ngân hàng trung ương các nước nắm giữ những công cụ có tác dụng như một danh mục đầu tư chứng khoán toàn cầu hết sức đa dạng. Chúng sẽ được đền bù cho lạm phát và sự giảm giá đồng tiền tại Mỹ và châu Âu, vì lãi suất tùy thuộc vào GDP danh nghĩa chứ không phải GDP thực tế của các nền kinh tế này. IMF có thể sử dụng khả năng phát hành trái phiếu để thu mua các trái phiếu dựa trên chỉ số GDP từ chính phủ các nước, theo đó tạo ra các tài sản dự trữ toàn cầu mới có khả năng hỗ trợ và mang lại lợi nhuận, đồng thời khuyến khích chính phủ các nước phát hành chúng.
Chuyên gia kinh tế Robert Shiller thuộc trường Đại học Yale từ lâu đã lập luận rằng chính phủ nên phát hành các trái phiếu GDP, coi đây như một cách thức an toàn hơn để vay mượn, song việc thuyết phục họ lại rất khó khăn. Do đó, việc thuyết phục họ ủng hộ IMF phát hành trái phiếu tính theo chỉ số GDP toàn cầu thậm chí còn khó hơn. Nhưng nếu chính phủ và ngân hàng trung ương các nước quan tâm tới việc tìm kiếm các công cụ thay thế cho đồng USD và euro, đây chính là thời điểm để bắt đầu, và các trái phiếu tính theo GDP chính là một lựa chọn cần được xem xét./.
Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)