Đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên chạm đáy sông Sài Gòn

Đốt hầm đầu tiên của hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã được dìm xuống đáy sông để chuẩn bị nối kết với đường dẫn phía quận 2.
Ngày 8/3, đốt hầm đầu tiên của công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã được dìm xuống đáy sông để chuẩn bị nối kết, thông đốt hầm với đường dẫn phía Thủ Thiêm, quận 2.

Đến 18 giờ cùng ngày, đáy đốt hầm còn cách đáy sông 1m, mặt cắt ngang của hầm cách mặt cắt ngang của đường dẫn 0,6m.

Theo Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, với tiến độ này sẽ đảm bảo hoàn thành công tác dìm hầm trong ngày. Đêm 8/3, đốt hầm đầu tiên sẽ được yên vị sâu dưới đáy sông Sài Gòn.

Do mực nước và tốc độ dòng chảy đoạn sông Sài Gòn tại vị trí lắp đặt trong sáng 8/3 thuận lợi nên công tác dìm hầm đã được tiến hành sớm hơn so với dự kiến.

Bắt đầu từ 7 giờ 30, công tác dìm hầm được khởi động bằng những bước đầu tiên như tháo bỏ phần bảo vệ cao su và bơm nước vào các bồn chứa để tạo cân bằng cho đốt hầm, hạ từ từ cho đốt hầm vào vị trí, ráp mối kín nước.

Tiếp sau đó, đội ngũ thi công cho bơm nước ra khỏi khoang giữa, chỉnh con đội thủy lực dưới đáy sông để cân bằng đốt hầm và cho thêm nước vào các bồn chứa bên trong để chống lại lực đẩy Archimedes, bảo đảm cho đốt hầm không bị nổi lên.

Sau 8 giờ, đốt hầm số 1 dần chìm xuống sông Sài Gòn và công việc dìm hầm được tiếp tục tuần tự các bước theo quy trình. Đến khi đốt hầm chìm ở độ sâu 12m dưới đáy sông đúng vị trí đã định, nước trong hầm sẽ được rút hết ra ngoài.

Kỹ sư Hà Thanh Hải, phụ trách đoạn đầu hầm Thủ Thiêm phía quận 2 cho biết, ngoài hệ thống neo chuyên dụng cùng cáp căng có độ cân chỉnh chính xác, đơn vị thi công còn bơm nước vào trong đốt hầm để điều chỉnh độ cân bằng trong khi đốt hầm vừa chìm dần vừa được kéo dần vào phía miệng hầm đường dẫn.

Khi đốt hầm “chạm” vào miệng hầm dẫn, khớp nối bằng doăng cao su chuyên dụng sẽ “kết dính” hai bề mặt bêtông với nhau. Lúc đó, đội thợ lặn gồm 10 người sẽ kiểm tra lần cuối độ chuẩn của hầm dìm so với miệng hầm đường dẫn.

Hệ thống bơm cát sẽ lấp đầy và cố định hầm được nằm trọn trong lòng hào. Ngoài ra, một lớp đá và bêtông chuyên dụng cho môi trường nước cũng sẽ được đổ lên phía trên hầm để cố định vĩnh viễn đốt hầm đầu tiên.

Sau khi thực hiện lai dắt thành công đốt hầm số 1 từ bể đúc Nhơn Trạch về vị trí lắp đặt tại Thủ Thiêm vào ngày 7/3, công đoạn quan trọng thứ hai là dìm hầm cũng đã diễn ra suôn sẻ và đạt kết quả.

Trong ngày 9/3, các chuyên gia sẽ kiểm tra đốt hầm để chuẩn bị tháo nắp và dự kiến 9 giờ sáng 10/3 sẽ nối kết, thông đốt hầm với đường dẫn phía Thủ Thiêm.

Công tác lắp đặt đốt hầm số 1 sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 3, đồng thời việc chuẩn bị lai dắt đốt hầm số 2 cũng được triển khai.

Đoạn hầm dìm gồm 4 đốt hầm là phần quan trọng nhất của công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn (thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây). Mỗi đốt hầm dài 92m, rộng 33,3m và cao 9m với trọng lượng trên 27.000 tấn.

Việc lai dắt và dìm các đốt hầm sẽ diễn ra từ 7/3 đến 30/6 và nếu tiến độ trên được đảm bảo, ngày 1/7 sẽ hợp long hầm Thủ Thiêm, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía quận 1./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục