Dự án du lịch cộng đồng giúp thoát nghèo

“Tham gia dự án sẽ giúp gia đình tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, thay vì phải sống phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng trái phép,” đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Đường, một người dân sống ở khu vực vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng về dự án Du lịch cộng đồng đang được Counterpart International triển khai ở khu vực này.

“Tham gia dự án sẽ giúp gia đình tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, thay vì phải sống phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng trái phép,” đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Đường, một người dân sống ở khu vực vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng về dự án Du lịch cộng đồng đang được Counterpart International triển khai ở khu vực này.
 
Đất canh tác hạn chế, nhiều hộ dân ở thôn Chày Lập, huyện Bố Trạch, trong đó có gia đình anh Đường, phải sống lệ thuộc vào những sản vật có được từ việc khai thác rừng trái phép từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc làm này đã không thể giúp họ thoát nghèo và có một cuộc sống ổn định bền vững, mà còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và phá hoại cảnh quan môi trường.
 
Dự án thí điểm du lịch cộng đồng do tổ chức phi chính phủ của Mỹ Counterpart International hỗ trợ, được triển khai từ tháng 8 năm nay, đã mở ra tia hy vọng đổi đời cho người dân Chày Lập, nơi có hơn 50% số hộ thuộc diện nghèo. Gia đình anh Đường là một trong 20 hộ dân đầu tiên ở Chày Lập tự nguyện tham gia dự án này.
 
Nói về dự án, chị Hoàng Thị Hồng Sen - cán bộ quản lý chương trình của Counterpart Việt Nam - cho biết, như nhiều tổ chức từng tham gia tài trợ bảo tồn vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Counterpart cũng có mối quan tâm lớn là làm thế nào để cải thiện đời sống cho các hộ sống trong khu vực này và đó là tiền đề để dự án du lịch cộng đồng ra đời.
 
Ngoài các dịch vụ du lịch hấp dẫn như thuê thuyền đi đánh cá, vãn cảnh trên sông hay leo núi bằng xe đạp do người dân địa phương cung cấp, du khách tham gia chương trình du lịch cộng đồng sẽ được trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng cách cùng sống, sinh hoạt và lao động với người dân nơi đây.
 
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng tăng, từ 140.000 khách năm 2001 lên 240.000 khách năm 2007, tuy nhiên tỉ lệ khách lưu trú vẫn đạt thấp. Dự án du lịch cộng đồng được kỳ vọng là sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng này, qua đó góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia dự án từ 22 đến 25 triệu đồng/năm.
 
Khẳng định vai trò quan trọng của người dân trong công tác bảo vệ rừng, ông Joachim Esser - cố vấn trưởng Văn phòng Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), nơi đang triển khai chương trình phát triển du lịch ở vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đồng thời cho rằng công tác bảo vệ rừng sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu người dân được chia sẻ lợi ích từ rừng. Cũng vì lẽ đó, chương trình của GTZ luôn có sự tham gia của người dân địa phương.
 
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới vào năm 2003.
 
Với tổng diện tích trên 85.700 ha, trong đó 95% diện tích được bao phủ bởi rừng nhiệt đới điển hình, Phong Nha-Kẻ Bàng là ngôi nhà chung của nhiều loài động, thực vật quý, trong đó có nhiều loài được coi là hóa thạch sống như bách xanh, dương xỉ. Tại đây còn có khoảng 300 hang động lớn nhỏ cùng hệ thống động nước dài hơn 44km, chứa đựng nhiều giá trị lớn về du lịch và địa chất, địa mạo./.
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục