Dự báo thế giới 2022: Triển vọng cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Tiến sỹ Jina Kim, Khoa Ngôn ngữ-Ngoại giao thuộc Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, nhấn mạnh hiện khó có thể đoán trước được viễn cảnh khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ.
Dự báo thế giới 2022: Triển vọng cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên ảnh 1Tiến sỹ Jina Kim, làm việc tại Khoa Ngôn ngữ và Ngoại giao tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. (Nguồn: gwiks.elliott.gwu.edu)

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) mới đây đăng bài phân tích của Tiến sỹ Jina Kim, làm việc tại Khoa Ngôn ngữ và Ngoại giao tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, nhấn mạnh hiện khó có thể đoán trước được viễn cảnh khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ.

Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ toàn diện các chương trình hạt nhân, tên lửa và vũ khí hóa học của Triều Tiên.

Kể từ đầu những năm 1990, Mỹ đã giúp loại bỏ Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) ở các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây thông qua chương trình "Hợp tác giảm thiểu đe dọa" (CTR) nhằm mục đích không chỉ tháo dỡ các kho vũ khí chiến lược mà còn cung cấp phương tiện vận chuyển, lưu trữ và các biện pháp loại bỏ thiết bị cũng như cơ sở vật chất liên quan.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9, trọng tâm của chương trình CTR là ngăn chặn các nhóm khủng bố thu được vật liệu phóng xạ và hạt nhân nên chương trình này cũng được mở rộng sang các nước khác.

Thực tế cho thấy chương trình CTR có thể góp phần giảm thiểu mối đe dọa ở Ukraine, Kazakhstan và Belarus bởi các nước này thiếu phương tiện tài chính và kỹ thuật để duy trì vũ khí hạt nhân một cách độc lập. Hơn nữa, giá trị của việc bảo đảm an ninh và hỗ trợ kinh tế để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân ở những nước này là rất cao.

Có thể cho rằng Triều Tiên khác với các quốc gia kể trên về năng lực, mục đích và môi trường an ninh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong quá trình theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chương trình CTR có thể là một công cụ hữu ích để nhanh chóng giảm thiểu mối đe dọa đến từ Triều Tiên.

[Triều Tiên "góp gió" vào "cơn bão" đang bủa vây chính quyền ông Biden]

Tiến trình thảo luận về hợp tác giảm thiểu mối đe dọa ở Triều Tiên đã được thúc đẩy trong các cuộc đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản) và Quốc hội Mỹ cũng đã xem xét việc hỗ trợ các hoạt động toàn diện; theo đó không chỉ xác minh việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên mà còn tạo việc làm cho các nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân.

Trong khi đó, Hàn Quốc cần xem xét trước phạm vi, yêu cầu và kế hoạch thực hiện nhằm giảm thiểu mối đe dọa toàn diện đối với Triều Tiên bởi những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, nếu Triều Tiên tái tham gia Hiệp ước quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngăn chặn phổ biến WMD và tên lửa đương nhiên trở thành nghĩa vụ mà Bình Nhưỡng phải thực hiện.

Kể từ khi Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua vào ngày 28/4/2004, trách nhiệm của tất cả các thành viên Liên hợp quốc là tăng cường các hệ thống trong nước nhằm ngăn chặn sự phổ biến WMD.

Cộng đồng quốc tế đang tìm kiếm các biện pháp cụ thể và không thể đảo ngược để giải tỏa các lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân sau khi có những bằng chứng cho thấy Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân tên lửa. Do đó, sự hỗ trợ về thể chế để Triều Tiên tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình theo cơ chế quốc tế "không phổ biến vũ khí hạt nhân" sẽ giúp kiểm soát các mối lo ngại về phổ biến WMD.

Thứ hai, chương trình CTR có thể mang lại động lực để Triều Tiên hợp tác trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa. Chương trình CTR hỗ trợ toàn bộ quá trình vận chuyển, lưu trữ, xử lý và chuyển đổi các vật liệu liên quan đến WMD.

Quá trình này bao gồm các hoạt động cung cấp cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường sắt và đường bộ (nếu cần thiết cho các hoạt động phá bỏ WMD) sẽ được xem xét tích cực trong quyết định phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Mỹ đã chi hơn 400 triệu USD cho các chương trình CTR để vận chuyển các đầu đạn hạt nhân một cách an toàn (được triển khai ở Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan) đến các cơ sở lưu trữ trung tâm của Nga, sửa chữa cầu đường và các phương tiện tiếp tế.

Dự báo thế giới 2022: Triển vọng cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên ảnh 2Mỹ đã chi hơn 400 triệu USD cho các chương trình CTR để vận chuyển các đầu đạn hạt nhân một cách an toàn . (Ảnh: AFP/TTXVN)h

Chương trình CTR cũng giúp Nga chuyển đổi các cơ sở sản xuất plutoni sử dụng cho vũ khí hạt nhân thành các nhà máy điện hạt nhân dân sự để cung cấp hệ thống sưởi cho các cộng đồng địa phương. Đặc biệt, các hoạt động an ninh và an toàn sinh học của chương trình CTR sẽ là một đề xuất hấp dẫn để Triều Tiên giải quyết các vấn đề an ninh y tế lâu nay.

Sau khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi năm 2014, Mỹ đã chuyển đổi cơ sở hạ tầng liên quan đến vũ khí sinh học ở nước ngoài sang sử dụng cho mục đích dân sự và đã hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực để phát hiện, chẩn đoán và báo cáo nhanh chóng các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Thứ ba, chương trình CTR cũng có thể góp phần xây dựng lòng tin cần thiết cho việc thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Do phạm vi của chương trình CTR rộng nên các cơ quan ở nhiều cấp sẽ liên hệ với các đối tác của họ ở Triều Tiên để duy trì các cuộc tham vấn. Do đó, ngay từ đầu chương trình, cơ hội để hai bên cùng chia sẻ lợi ích và tăng tính minh bạch về thủ tục sẽ được mở rộng.

Hơn nữa, chương trình CTR có thể giúp những người làm chương trình WMD của Triều Tiên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu hòa bình, giúp họ hòa nhập cộng đồng quốc tế và tăng cường trách nhiệm giải trình bằng cách giới thiệu một hệ thống đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thiết lập một mối quan hệ hợp tác sẽ còn quan trọng hơn bởi khi đó các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên có thể tham gia trao đổi thông tin liên quan đến an toàn và an ninh vũ khí hạt nhân.

Thứ tư, chương trình CTR sẽ tạo cơ hội cho nhiều bên tham gia với tư cách là nhà tài trợ. Những năm gần đây, các quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác toàn cầu, cùng các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm Hạt nhân toàn diện (CTBTO), Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã tham gia hỗ trợ phá hủy vũ khí hóa học, các dự án hợp tác về sinh học, ngăn chặn phổ biến vũ khí và an ninh hạt nhân toàn cầu.

Các cam kết đa phương của chương trình CTR có thể làm giảm nguy cơ các bên không tuân thủ thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, việc bảo đảm các nguồn tài chính cần thiết cho các hoạt động phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ góp phần thúc đẩy quá trình giải trừ quân bị và duy trì tính bền vững của chương trình. 

Tiến sỹ Jina Kim kết luận rằng khi cân nhắc những lợi ích này, Mỹ và Hàn Quốc nên phát triển một chiến lược hợp tác dài hạn nhằm giảm thiểu mối đe dọa và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ được thực hiện ngay khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên bắt đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục