Dự đoán tương lai cuộc đua của Nga và Trung Quốc ở Trung Á

Hiện, Nga và Trung Quốc đều không thể hiện tâm thế cạnh tranh ở Trung Á, tuy nhiên điều này sẽ được thử thách trong tương lai khi sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại cuộc gặp ở Moskva, Nga ngày 5/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại cuộc gặp ở Moskva, Nga ngày 5/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng warontherocks.com, mặc dù cuộc chiến của Mỹ ở Trung Á có thể đang đi đến hồi kết, song vẫn có nhiều quan ngại về nguy cơ xung đột trong khu vực này.

Mới đây, ngày 1/10, sau cuộc đấu khẩu giữa chỉnh phủ Tajikistan và lực lượng Hồi giáo Taliban đang kiểm soát Afghansitan, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại về "căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Tajikistan và Afghansitan."

Trước tình hình đầy bất ổn về tương lai của Afghanistan, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga dẫn đầu đang tiến hành những cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ ở khu vực biên giới Tajikistan và Afghansitan trong tháng 10 này. Các cuộc tập trận đều mô phỏng một cuộc tấn công bất ngờ bằng vũ trang.

Các nước ở khu vực Trung Á có chung biên giới với Tajikistan và Afghansitan đang ngày càng trông chờ sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài để củng cố năng lực phòng thủ của mình.

Khi Mỹ rút khỏi Trung Á, Nga và Trung Quốc đang tăng cường cung cấp hỗ trợ an ninh cho khu vực. Mặc dù vậy, những xu hướng hiện nay không có dấu hiệu nào cho sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh cường quốc lớn giữa Bắc Kinh và Moskva ở Trung Á.

Chỉ vài ngày sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, Nga đã tiến hành hai cuộc tập trận với Uzbekistan và Tajikistan. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tăng cường hiện diện quân sự của mình trong khu vực.

Chỉ vài ngày sau khi các cuộc diễn tập của Nga kết thúc, Bộ Công an Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc diễn tập chống khủng bố với các đối tác của Tajikistan.

Hoạt động chiến lược của Trung Quốc ở Tajikistan đã gia tăng đáng kể kể từ khi nước này năm 2016 thiết lập một căn cứ quân sự quy mô nhỏ ở quốc gia gần biên giới với Afghanistan này.

Chính tình hình bất ổn ở Afghanistan và mối lo ngại của Bắc Kinh về nguy cơ những tay súng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Á sẽ "đầu quân" trở lại Trung Quốc đã trở thành động lực chính để Bắc Kinh triển khai những hoạt động an ninh chưa từng có tiền lệ ở các quốc gia láng giềng.

Nga và Trung Quốc "khăng khít" với nhau vì hai nước này có những lợi ích chung ở khu vực Trung Á.

Thứ nhất, cả hai đều có chung quan ngại về nguy cơ khu vực này sẽ trở thành "bệ phóng" của chủ nghĩa khủng bố.

Thứ hai, cả Moskva và Bắc Kinh đều muốn duy trì sự ổn định khu vực.

Thứ ba, hai nước đều muốn "hất cẳng" Washington ra khỏi khu vực. Hai nước đã đạt được mục đích cuối cùng này song cả Nga và Trung Quốc không "đẹp mặt gì" từ mong muốn này.

Tạm biệt Mỹ!

Với việc rút quân khỏi Afghanistan, vai trò của Mỹ vốn lâu nay đã bị giới hạn ở khu vực nay sẽ càng thu hẹp hơn nữa. Washington cũng không có nhiều khả năng để đưa quân trở lại khu vực bởi các chính phủ Trung Á đều không mặn mà gì việc này.

Hiện, cả hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Uzbekistan và Kyrgyzstan đều đã đóng cửa từ năm 2014. Trong khi đó, Mạng lưới Phân phối miền Bắc, một tập hợp những đường tiếp vận cho Afghanistan thông qua Nga và Trung Á vốn được thiết lập từ năm 2009 đều đã bị đóng cửa từ năm 2015 sau khi căng thẳng quan hệ giữa Washington và Moskva leo thang.

Mặc dù chính phủ Mỹ cam kết xây dựng những căn cứ mới ở khu vực biên giới Tajikistan-Afghanistan, song những hỗ trợ về an ninh đã suy giảm xuống chỉ còn 11 triệu USD vào năm 2020 so với mức cao là 450 triệu USD từ 10 năm trước đây.

[Tổng thống Tajikistan thăm Pháp thảo luận vấn đề Afghanistan]

Các cuộc tập trận của Mỹ và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) có sự tham gia của lực lượng quân sự các quốc gia Trung Á cũng đã ngày càng suy giảm, từ mức đỉnh điểm 7 cuộc tập trận vào năm 2003 xuống chỉ còn 2 cuộc kể từ năm 2018.

Sự xâm nhập của Nga

Nga vẫn là đối tác an ninh chủ chốt của Trung Á. Moskva vẫn duy trì các cơ sở quân sự ở Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan cũng như duy trì cung cấp 50% khí tài cho Trung Á.

Nga có nhiều cơ chế để cung cấp an ninh, cả song phương và đa phương, như thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Các dữ liệu cho thấy thị phần vũ khí của Nga trong khu vực khá ổn định trong vòng 10 năm qua và đang có xu hướng tăng dần số lượng các cuộc tập trận trong khu vực trước khi Mỹ triển khai kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.

Các nước Trung Á cũng đã ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí với Nga với giá ưu đãi. Đối với những nước nghèo hơn như Tajikistan và Kyrgyzstan, Nga thường "cho không" vũ khí của mình.

Trung bình, các cuộc tập trận của Nga có quy mô gấp hai lần so với quy mô các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành.

Dự đoán tương lai cuộc đua của Nga và Trung Quốc ở Trung Á ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, khác với Bắc Kinh, vốn tập trung phát triển quan hệ với các lực lượng an ninh và cảnh sát Trung Á, Moskva lại tập trung vào hợp tác quân sự.

2/3 các cuộc tập trận chung mà Nga tiến hành với các nước Trung Á đều có sự tham gia của không quân hoặc lục quân Nga. Sự hợp tác này của Moskva sẽ áp đảo và lấn át tiềm năng hợp tác của Bắc Kinh với Trung Á.

Trong những năm gần đây, Nga cũng thể hiện những năng lực sức mạnh cứng trong khu vực. Ví dụ, tháng 8/2018, các lực lượng Nga ở Tajikistan đã tiến hành hàng loạt vụ không kích nhằm vào các đối tượng buôn bán ma túy, đánh dấu sự can thiệp vũ trang đầu tiên vào chính trị Afghanistan kể từ khi Liên Xô rút khỏi quốc gia Nam Á này trong cuộc chiến năm 1989.

Chỉ vài tuần sau sự sụp đổ của chính quyền Kabul, Nga đã tăng cường sức mạnh quân sự cho căn cứ của mình ở Tajikistan bằng cách điều động thêm 30 xe tăng mới, 17 phương tiện chiến đấu bộ binh mới và một loạt tên lửa dẫn đường chống tăng Kornet.

Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan, Nga đã kiểm tra năng lực những mạng lưới hậu cần của mình về khả năng vận chuyển máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24 đến Căn cứ Không quân Gissar bên ngoài thủ đô Dushanbe để chuẩn bị cho tình huống Afghanistan rơi vào hỗn loạn.

Moskva cũng đã nâng cao năng lực phản ứng nhanh để củng cố khu vực biên giới Tajikistan khi điều động chiến đấu cơ Su-25 từ Kyrgyzstan đến căn cứ Gissar. Khác với những đối thủ cạnh tranh của mình như Trung Quốc, Nga vẫn có được uy tín đối với các nước trong khu vực nhờ kinh nghiệm chiến đấu của Moskva ở Syria.

Trung Quốc quyết tham gia cuộc đua

Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang củng cố vai trò của mình trong khu vực. Trong vòng 10 năm qua, thị phần vũ khí của nước này ở khu vực đã tăng lên 13% từ mức 1,5%.

Trung Quốc cũng đang thiết lập sự hiện diện chiến lược ở những lĩnh vực mà Nga còn bỏ xa về mặt công nghệ như thiết bị bay không người lái. Bắc Kinh ngày càng chủ động hơn trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung mang tính chiến lược với các nước khu vực thông qua cơ chế song phương hoặc đa phương.

[Quan hệ Nga-Trung Quốc nhìn từ hợp tác chiến lược biển]

Kể từ năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện vai trò tích cực hơn trong công tác phòng thủ Trung Á, coi khu vực này là bức tường thành ngăn chặn bất ổn ở Afghanistan lan sang khu vực Tân Cương.

Đây là những mục tiêu nhắm đến lợi ích trong nước của Bắc Kinh và những mục tiêu này đều tập trung vào công tác phối kết hợp các lực lượng an ninh trong nước, lực lượng bán quân sự và lực lượng chống khủng bố với những đối tác của các quốc gia Trung Á.

Khoảng 59% các cuộc tập trận của Trung Quốc liên quan các lực lượng an ninh cùng với sự kết hợp của các lực lượng cảnh sát và tác chiến đặc biệt. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ ràng với cách tiếp cận của Nga đối với an ninh Trung Á.

Bản chất an ninh của những cuộc tập trận mà Bắc Kinh tiến hành với các nước Trung Á cũng cho thấy Trung Quốc không muốn chọc giận Moskva vốn tự coi mình là nhân tố an ninh chủ đạo ở khu vực.

Xu hướng nhường nhịn này của Bắc Kinh đối với Moskva xuất hiện từ trước khi Mỹ rút khỏi Trung Á.

Tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc

Hiện, cả Nga và Trung Quốc đều không thể hiện tâm thế cạnh tranh ở Trung Á. Tuy nhiên, điều này sẽ được thử thách và trải nghiệm trong tương lai khi sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực vẫn diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ đầu hậu Mỹ.

Bắc Kinh có thể sẽ không "nuốt mất" thị phần vũ khí của Moskva ở Trung Á vào thời điểm này song nguy cơ này có thể xảy ra trong tương lai khi ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc bùng nổ đến mức cần có thêm thị phần xuất khẩu.

Dự đoán tương lai cuộc đua của Nga và Trung Quốc ở Trung Á ảnh 2Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù về cơ bản Trung Quốc vẫn thể hiện vị thế "chiếu dưới" đối với Nga ở khu vực và có thể sẽ tiếp tục như vậy trong ngắn hạn, song có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc cách tiếp cận của riêng mình đối với khu vực có ý nghĩa chiến lược này của thế giới.

Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển những sáng kiến và kế hoạch của riêng mình mà không tính toán đến Moskva. Bắc Kinh từng tổ chức một cuộc tập trận đầu tiên bên ngoài khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi năm 2014.

Bắc Kinh cũng đã thiết lập những cơ chế đa phương của riêng mình như cuộc hợp các ngoại trưởng của Trung Quốc với các nước Trung Á hồi năm 2020.

Khi mối quan tâm kinh tế và an ninh của Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh trong khu vực Trung Á, khuôn khổ hợp tác hiện nay giữa Bắc Kinh và Moskva có thể nằm gọn trong mô hình Thái Bình Trung Hoa (PaxSinica) có quy mô rộng lớn hơn, trong đó, Trung Quốc sẽ là bên đưa ra những quyết định quan trọng, tức "cầm dao đằng chuôi" so với Moskva.

PaxSinica là một khái niệm được dịch nghĩa là Thái bình dưới trướng Trung Quốc, được những nhà nghiên cứu về các vấn đề của Đông Á sử dụng từ nhiều năm qua để chỉ sự bành trướng của Bắc Kinh hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục