Du lịch đường bộ: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Đường biên giới dài, nhiều danh lam thắng cảnh đã được thế giới công nhận... nhưng du lịch đường bộ VN  vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Đường biên giới dài, nhiều danh lam thắng cảnh đã được thế giới công nhận... nhưng du lịch đường bộ ở Việt Nam, nhất là ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Lợi thế có

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Việt Nam có biên giới đất liền khoảng 4.550km với các nước xung quanh, với gần 100 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ. Đây chính là những lợi thế lớn để Việt Nam phát triển du lịch đường bộ.

Cùng quan điểm này, ông Cao Trí Dũng, Giám đốc công ty lữ hành Vitours, đánh giá khu vưc miền Trung-Tây Nguyên không chỉ có đường biên giới dài với các nước bạn mà còn là nơi tập trung nhiều giá trị cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa ẩm với nhiều bãi biển, vịnh được xếp vào loại đẹp nhất Việt Nam như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Khu vực này còn là nơi tập trung tới 2/8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam; 11/30 vườn quốc gia, 25/58 khu bảo tồn thiên nhiên với các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học cao có giá trị du lịch.

Đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cùng các giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ít người như dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Gia Rai, Ba Na... Đặc biệt, nơi này còn tập trung toàn bộ 5 di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam gồm quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và không gian văn hóa, cồng chiêng Tây Nguyên.

Do vậy, ông Dũng đánh giá, du lịch đường bộ sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, đặc biệt là vùng cao và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Hạ tầng, dịch vụ còn nhiều bất cập


Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong năm qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ cũng mới chỉ chiếm khoảng 30%.

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do chiều dài đường bộ cả nước là trên 200.000km, nhưng quốc lộ mới chỉ chiếm 5,74%. Trong khi đó, các điểm, khu du lịch ở Việt Nam lại phân bố rộng khắp nên việc đi lại mất nhiều thời gian của du khách.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng trong mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng. Ngay cả các tuyến quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu quốc tế cũng chưa có đường cao tốc mà chủ yếu vẫn là đường có tiêu chuẩn kỹ thuật không cao.

Không chỉ vậy, dịch vụ trên các tuyến này còn thiếu đồng bộ, thiếu trạm dừng, nghỉ, cung cấp xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện. Trên đường dài, các xe du lịch khi cần nghỉ ngơi vẫn phải dựa vào các điểm dừng dành cho xe khách và xe vận tải. Trong khi đó, hầu hết các điểm dừng này lại không đảm bảo an toàn, vệ sinh, không có các dịch vụ nghỉ dưỡng sức.

“Đối với các đoàn khách caravan, nhiều thủ tục, quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế còn khiến họ mất nhiều thời gian, đặc biệt là khi khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc”, ông Vũ Thế Bình cho biết thêm.

Trên thực tế, khách du lịch theo loại hình caravan thường là người có thu nhập cao và luôn hướng tới những sản phẩm, dịch vụ cao cấp. Chương trình thí điểm đón các đoàn xe caravan của Thái Lan, Lào vào Việt Nam trong những năm qua cũng đã tạo được sự tăng trưởng đột biến về lượng khách du lịch đến với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Những ngày cao điểm, lượng khách qua các cửa khẩu đường bộ lên tới 2.000 người. Ngoài ra, còn một nguyên nhân không thể không kể đến đó là Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch thu hút khách đường bộ nói chung và khách du lịch caravan nói riêng.

Do đó, để thu hút được khách du lịch đường bộ tới Việt Nam, các tỉnh vùng biên đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên cần chú trọng nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch và mở các dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Ngành du lịch cũng nên sớm xây dựng kế hoạch hợp tác Thái Lan-Việt Nam với mục tiêu “Mỗi năm trao đổi 1 triệu lượt khách” để tăng cường trao đổi khách giữa hai bên.

Ngoài liên kết với Lào, Campuchia, Thái Lan để xây dựng chương trình "Bốn nước, một điểm đến" cho du lịch caravan, Việt Nam cũng cần có kế hoạch thu hút khách Trung Quốc đường bộ và khách tự lái xe sang Việt Nam du lịch./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục