Công suất phòng tại các khách sạn luôn ở mức cao sau khi ngành du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15/3, đang hứa hẹn du lịch Kiên Giang sớm phục hồi.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vấn đề khó khăn nhất của tỉnh là nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Giám đốc Tiền sảnh Sunset Sanato Resort & Villas, xã Dương Tơ, thành phố đảo Phú Quốc Lê Trung Thực cho biết, công suất phòng của khu nghỉ dưỡng tăng đáng kể khi đạt đến 95% trong tuần đầu mở cửa bình thường mới từ ngày 15/3. Riêng dịp cuối tuần 18-20/03, khu nghỉ dưỡng ở tình trạng “cháy phòng.”
Đây là kết quả của quá trình kết hợp vững chắc từ phía cơ quan có thẩm quyền, hãng lữ hành và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch.
Cùng với các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Sunset Sanato Resort & Villas được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Du lịch Kiên Giang và các sở, ban, ngành liên quan.
Khu nghỉ dưỡng được tiếp cận sớm với thông tin và có bước chuẩn bị chu đáo để cung cấp dịch vụ tốt nhất, có phương án sẵn sàng trong việc phòng, chống dịch COVID-19 cho du khách.
[Cơ hội phục hồi và phát triển cho du lịch Kiên Giang năm 2022]
Tại Kim Hoa Resort, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, trong tuần đầu đón khách giai đoạn bình thường mới, khu nghỉ dưỡng đạt công suất phòng 65%.
Theo Tổng quản lý Kim Hoa Resort Bùi Áng Văn, việc mở cửa du lịch tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và cả nước nói chung phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại vẫn là nguồn nhân lực phục vụ du lịch sau đại dịch. Kim Hoa Resort hiện mới chỉ có 50% nhân viên so với trước dịch.
“Với kinh nghiệm làm du lịch trên “đảo Ngọc” Phú Quốc, tôi nhận thấy cần có thêm chính sách phối hợp hỗ trợ phát triển, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tạo điều kiện cho các trường nghề phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tại địa phương, các doanh nghiệp du lịch triển khai đào tạo các khoá ngắn hạn; từng bước chuẩn hoá các bộ phận phục vụ cho ngành du lịch. Tôi tin rằng các trường nghề địa phương sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở du lịch mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch trực tiếp ngay tại địa phương cho đội ngũ lao động, đáp ứng cấp thiết yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới,” ông Bùi Áng Văn đề xuất.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang Trần Quốc Khánh, từ quý 4/2021, các doanh nghiệp du lịch Kiên Giang đã luôn ở tư thế sẵn sàng đón du khách trở lại khi đảm bảo đầy đủ từ cơ sở vật chất đến hệ thống tour, tuyến du lịch cũng như quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp du lịch hiện vẫn là nguồn nhân lực, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lao động phục vụ du lịch phần lớn trở về địa phương.
Hiện người lao động đang từng bước quay trở lại, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục có những chính sách để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, đảm bảo các yêu cầu dịch vụ tốt nhất cho du khách. Từ đó, góp phần tạo hình ảnh đẹp, ấn tượng, hấp dẫn về vùng biển đảo Kiên Giang trong lòng mỗi du khách.
Ngày 19/3 vừa qua, 235 du khách Kazakhstan đáp chuyến bay đến thành phố Phú Quốc và lưu trú tại đây hơn một tuần. Đây là chuyến bay đầu tiên chở đoàn khách quốc tế đến với “đảo Ngọc” sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15/3.
Riêng chương trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vacine,” Kiên Giang đón được 10 chuyến bay với 1.282 khách đến từ các thị trường Hàn Quốc, Lào, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, quý 1/2022, Kiên Giang ước đón gần 1,6 triệu lượt khách, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,2% kế hoạch năm.
Trong số đó, khách quốc tế có 26.036 lượt, đạt 13% kế hoạch năm; tổng thu từ du lịch đạt 1.408 tỷ đồng.
Thành phố Phú Quốc ước đón trên 1,1 triệu lượt khách, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 29,2% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế ước đón 26.036 lượt khách, đạt 14,5% kế hoạch năm.
Theo ông Bùi Quốc Thái, việc tiêm phủ vacine trong cả nước đạt tỷ lệ ngày càng cao đã tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển trở lại hoạt động du lịch.
Nhu cầu thu hút du khách tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước hiện nay là rất lớn. Do đó, ngoài sự tập trung, nỗ lực của từng địa phương cần có sự liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển, cùng nhau khôi phục lại ngành du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của vùng cũng như của địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, trước những kết quả đạt được trong khoảng thời gian đầu năm 2022, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu sẽ đón 5,6 triệu lượt du khách đến tham quan du lịch; trong đó có 200 nghìn lượt khách quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang; liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; củng cố lại sản phẩm dịch vụ hiện có, xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, sản phẩm dịch vụ đặc thù, lạ, độc đáo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, số hóa trong quản lý nhà nước và trong hoạt động kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ cho phép khách quốc tế khi đến Phú Quốc được phép đến thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương và huyện đảo Kiên Hải tham quan du lịch, nhất là khu vực các đảo, quần đảo thuộc ba địa phương này, sau đó quay trở lại Phú Quốc để xuất cảnh.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho địa phương về kết quả thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vacine cả đơn phương và song phương.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thật chi tiết, cụ thể, thống nhất trong cả nước, có biểu mẫu (phương án, kế hoạch phòng, chống dịch...) để địa phương và các doanh nghiệp triển khai thực hiện; hỗ trợ địa phương tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch ra nước ngoài để thu hút khách du lịch quốc tế./.