Du lịch mua sắm được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác để vừa thu hút du khách vừa kích cầu doanh thu du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phát triển được loại hình du lịch này. Các chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch mua sắm là một mảnh đất rất màu mỡ cần được nghiên cứu và triển khai bài bản.
Chưa chuyên nghiệp
Một trong những nhu cầu du lịch cơ bản và thiết yếu nhất của khách du lịch là mua sắm, tìm kiếm và sở hữu những sản phẩm lưu niệm đặc trưng nhất của vùng đất đó. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, các sản phẩm, quà tặng lưu niệm dành cho du khách mua sắm vẫn còn khá ít và đơn điệu.
Nằm ngay trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, Chợ Bến Thành là điểm du lịch mua sắm thường xuyên của du khách trong và ngoài nước bởi sự đa dạng về các chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên, để lựa chọn một sản phẩm mang tính đặc trưng giới thiệu cho du khách khá khó bởi cùng một sản phẩm, ở mỗi gian hàng lại có mức giá và chất lượng khác nhau.
Thường xuyên đón những người bạn quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh, chị Phan Thiên Thanh (ngụ Quận 6) vẫn tỏ ra lúng túng giới thiệu bạn bè điểm mua sắm tại Chợ Bến Thành. Theo chị Thanh, chị phải tham khảo giá trước khi dẫn bạn đến chợ. Hiện các mặt hàng lưu niệm Việt Nam tập trung chủ yếu là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, gốm, sứ... Tuy khá hấp dẫn du khách nhưng tùy vào đơn vị sản xuất, chất lượng và giá cả không đồng nhất.
Ngoài Chợ Bến Thành, một số điểm tham quan khác thu hút nhiều du khách quốc tế đến thăm như: Bảo tàng, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, đường sách Nguyễn Văn Bình... Trong đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Quận 3) nổi bật với gian hàng giới thiệu sản phẩm lưu niệm kết cườm thủ công, do các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam thực hiện. Tuy vậy, các mặt hàng được trưng bày khá đơn điệu, chưa thực sự tạo điểm nhấn, kích thích du khách mua sắm.
Còn nhớ năm 2015, Cuộc thi Tìm kiếm sản phẩm lưu niệm dành cho khách du lịch quốc tế do Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm biểu dương sản phẩm lưu niệm đẹp, thể hiện được nét đặc trưng về con người, văn hóa, đời sống tại Thành phố như: Sản phẩm “Sài Gòn trong tôi;” Sách Pop-up Sài Gòn Phố.... Dù vậy, đến nay đã gần 3 năm trôi qua, nếu muốn tìm những sản phẩm lưu niệm này ở các điểm tham quan du lịch nêu trên cũng khá hiếm.
Theo đại diện một doanh nghiệp có sản phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi này, nếu muốn sản phẩm lưu niệm được du khách biết đến rộng rãi, cần có kế hoạch đầu tư, quảng bá tuyên truyền sâu rộng để sản phẩm tiếp cận được đến du khách hơn. Để làm được điều này, sự hỗ trợ chính sách của các nhà quản lý, cơ quan chức năng của ngành Du lịch là điều rất cần thiết.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết hiện nay chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ mua sắm hàng hóa và lưu niệm dành cho khách du lịch quốc tế. Do vậy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thống nhất giá, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như tình trạng hàng giả, hàng nhái còn khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của các doanh nghiệp trong nước mà còn gây ảnh hưởng đến ngành Du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Giải pháp phát triển du lịch mua sắm
Một trong những giải pháp thu hút du khách mua sắm là chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) dành cho du khách quốc tế. Đây là giải pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời, kích cầu doanh thu du lịch.
Tiêu biểu như Singapore được xem là “thiên đường mua sắm” bởi họ xem chính sách hoàn thuế là lợi thế để cạnh tranh. Các trung tâm thương mại Singapore đều có bộ phận dịch vụ hoàn thuế chuyên nghiệp. Đồng thời, du khách sử dụng dịch vụ khai báo điện tử eTRS (Chương trình hoàn thuế điện tử cho du khách) rất thuận tiện và dễ dàng hoàn thuế tiền mặt ngay tại sân bay.
Từ kinh nghiệm của các nước, năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ban hành các quy định pháp lý về hoàn thuế VAT cho du khách nước ngoài khi đến mua sắm. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong đợi bởi một số khó khăn như: doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia bán hàng hoàn thuế; thủ tục khai báo hoàn thuế vẫn chưa thống nhất, còn rườm rà; thông tin tuyên truyền bán hàng hoàn thuế đến với du khách chưa phổ biến...
Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng khách quốc tế mỗi năm chiếm khoảng 50% so với cả nước. Sở Du lịch Thành phố đã phối hợp với Cục Thuế và Cục Hải quan phát triển hệ thống điểm bán hàng hoàn thuế VAT, chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng nhập khẩu ở các trung tâm thương mại. Thành phố hiện có khoảng 77 doanh nghiệp tham gia với 573 điểm bán hàng hoàn thuế VAT cho du khách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch thành phố, hàng hóa hoàn thuế hiện chỉ tập trung các mặt hàng thời trang, đồng hồ, điện thoại... chưa đa dạng nên chưa hút khách mua sắm.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết, tính đến hết năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh có 60 cơ sở mua sắm được cấp biển hiệu dịch vụ mua sắm đạt chuẩn du lịch còn tiếp tục hoạt động. Dù vậy, Thành phố vẫn chưa có trung tâm chuyên về hàng Việt Nam ở các mặt hàng như: quần áo, sản phẩm đồ dùng hàng lưu niệm có xuất xứ từ thành phố, nên hạn chế khi tiếp cận du khách.
Hiện Thành phố mới khai trương thêm một Trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí Garden Mall (Quận 5) với nhiều hình thức mua sắm giải trí ẩm thực. Nơi đây được kỳ vọng sẽ là điểm để du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí, song, vẫn cần phải tiếp tục quảng bá, giới thiệu đến du khách nhiều hơn nữa. Mặt khác, ngành Du lịch thành phố tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương lên kế hoạch tổ chức các Tuần lễ mua sắm hạ giá dành cho du khách. Cùng với đó, ngành đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên hỗ trợ, định hướng hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng thuần Việt; tiếp tục nghiên cứu và đề xuất mô hình trung tâm mua sắm hàng lưu niệm Việt Nam.
Còn theo đánh giá của phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương, Việt Nam chưa có chiến lược cũng như kế hoạch kích cầu du lịch thông qua mua sắm. Chiến lược này cần được xem là một phần của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như Chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, trong đó, mua sắm của khách du lịch chính là một trong những phương thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ. Do vậy, Việt Nam cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu của cả nước để những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Song song đó, cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như là một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm của khu vực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách với sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, rõ ràng về xuất xứ.
Ông Lương cho rằng, phát triển du lịch mua sắm sẽ thúc đẩy tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào những năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị và để phát triển Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của khu vực./.