Từ đầu năm, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất. Đây là tín hiệu vui đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Để đến với du khách khắp thế giới, ở giai đoạn này, thành phố tập trung ưu tiên tiếp thị kỹ thuật số nhiều hơn các hoạt động tiếp thị truyền thống vì số hóa tiếp thị được xem là tối ưu và nhanh nhất.
Hướng đến khách hàng không biên giới
Điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện trên những kênh truyền thông uy tín thế giới như BBC Global, góp phần làm tăng độ nhận biết về du lịch thành phố cũng như tiếp cận đến đối tượng mục tiêu là khách du lịch, công ty lữ hành, thiết kế tour du lịch quốc tế…
Kết quả này đạt được là nhờ ngành du lịch thành phố tăng cường tiếp thị kỹ thuật số. Khi khoảng cách về địa lý vẫn còn những rào cản nhất định, xúc tiến những giải pháp tương tác xuyên biên giới sẽ là cầu nối hiệu quả.
Tiếp thị kỹ thuật số phù hợp với thực trạng một số xu hướng du lịch mới xuất hiện và ngày càng trở nên thịnh hành trên thị trường như du lịch an toàn, du lịch không chạm, du lịch nghỉ dưỡng...
Cùng với đó, tiếp thị điểm đến được đánh giá là một trong số những hoạt động quan trọng thúc đẩy sự "hồi sinh" du lịch hậu COVID-19 khi đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận du khách, nhất là nhóm du khách trẻ ưa chuộng hoạt động mang tính cộng đồng.
Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng và củng cố niềm tin của khách du lịch với các điểm đến. Đây là những bước đi chủ động của ngành du lịch thành phố nhằm cải thiện và nâng cấp ngành sau dịch bệnh, trong đó chất lượng, phong thái phục vụ nhất quán được chú trọng. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố chủ động tương tác với khách hàng qua nhiều hình thức từ trực tiếp đến trực tuyến bằng phương thức tiếp thị mới và phù hợp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Anh Dũng, Trưởng đại diện hãng hàng không Hongkong Airlines, cho hay thị trường hậu COVID-19 đặt ra yêu cầu về những góc nhìn mới trong chiến dịch tiếp thị điểm đến. Hongkong Airlines chú trọng kết nối với khách hàng thông qua việc làm mới kênh tương tác với khách hàng như website, mạng xã hội, thương mại điện tử...
Liên quan đến thị hiếu du khách toàn cầu, bà Tạ Thị Bích Hà, Giám đốc Tổng cục Xúc tiến du lịch Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết khách hàng hiện nay chú trọng vào trải nghiệm nên trước khi đưa ra quyết định chi tiêu, họ thường tìm đến những phản hồi hay đánh giá đã có.
Xu hướng du lịch thay đổi, không còn đơn thuần chỉ là "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" mà điểm đến cần gắn liền với một cảm xúc, một nhu cầu nhất định cần được thỏa mãn về mặt tinh thần và vật chất. Do đó, có thể thấy những phương thức tiếp thị mới nổi, gồm: influencer marketing - sử dụng các KOL (người có ảnh hưởng), chia sẻ những trải nghiệm của họ cho khách hàng; tiếp thị qua mạng xã hội bằng việc sử dụng những nội dung ngắn, bắt mắt; tiếp thị sử dụng công nghệ cao và các thuật toán, đem lại trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng... Thực tế không thể phủ nhận, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng tích cực, du lịch ứng dụng công nghệ cao hiện có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Đồng thời, những hình thức tiếp thị qua không gian mạng như kênh mạng xã hội, báo điện tử... đã tác động mạnh mẽ lên lựa chọn điểm đến của người tiêu dùng. Việt Nam thuộc top quốc gia, vùng lãnh thổ sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới và một số mạng xã hội khác như Instagram, TikTok... đang phát triển rầm rộ.
Với số lượng người dùng khổng lồ và ngày càng gia tăng, mạng xã hội trở thành một kênh không thể thiếu khi thực hiện truyền thông điểm đến.
Mở chiến dịch truyền thông địa phương
Hướng đến mục tiêu tiếp thị đô thị du lịch, chiến dịch truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” được Sở Du lịch và doanh nghiệp triển khai xuyên suốt từ đầu năm đến nay đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Chuỗi các sự kiện gồm: Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18; Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2022); Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2; Liên hoan Ẩm thực Việt Nam... đã góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố.
[Thương mại, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trở mình chuyển đổi số]
10 tháng qua, ngành du lịch thành phố đã đón 2.656.707 lượt khách du lịch quốc tế và 24.894.562 lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt 105.578 tỷ đồng. Định vị của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á và Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất theo báo cáo của Agoda; Điểm đến hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm Hè...
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết đồng hành cùng chiến dịch truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” là hàng trăm chương trình ưu đãi hấp dẫn cho du khách được thực hiện luân phiên đến từ cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Sở đã cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Song song đó, Sở đưa vào hàng loạt sản phẩm, dịch vụ du lịch nằm trong chương trình “Mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng."
Mới đây nhất, Sở phối hợp với quận Tân Bình, quận Gò Vấp, Công ty du lịch Chim Cánh cụt, Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch TST khảo sát hai sản phẩm “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” và “Tân Bình - Biết bao điều thú vị."
Hai sản phẩm du lịch mới này cùng với hàng chục sản phẩm trước đó sẽ giới thiệu cho du khách giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, trải nghiệm thú vị...
Ngành du lịch thành phố kỳ vọng trong năm 2022 sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mới lạ, chất lượng dịch vụ cao, góp phần phục hồi du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
So với thời điểm trước dịch COVID-19, hiện nay, du khách đến thành phố được trải nghiệm đa dạng sản phẩm, dịch vụ mới, gồm: “Ngắm Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao” bằng máy bay trực thăng; "Trải nghiệm du thuyền ngắm hoàng hôn" khám phá vẻ đẹp Sài Gòn khi phố đã lên đèn...
Ngoài những sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ, Củ Chi..., du khách có thêm sự lựa chọn với Suối Tiên Farm (Nông trại Suối Tiên) nằm trong khuôn viên Khu du lịch văn hóa Suối Tiên tại thành phố Thủ Đức...
Qua hơn một năm triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, bước đầu, thành phố ghi nhận các chuyển biến tích cực trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Ngành du lịch có những tín hiệu tích cực và khẳng định sự phục hồi nhanh chóng với chiến lược mở cửa thị trường thu hút sự tham gia đồng bộ của sở, ngành, doanh nghiệp và liên kết vùng.
Trên cơ sở phân loại tài nguyên du lịch, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh khai thác 4 nhóm tài nguyên chính, gồm: tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; tài nguyên du lịch văn hóa phí vật thể; tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn./.