Du lịch Việt học được gì từ kinh nghiệm Chuyển đổi Số của thế giới?

Chuyển đổi Số du lịch diễn ra với nhiều ứng dụng tiêu biểu, cũng nhờ đó các quốc gia nhanh nhạy trên thế giới đã nắm bắt cơ hội để chuyển mình mạnh mẽ, định hình lại tương lai ngành kinh tế Xanh.
Ứng dụng mobile giúp người dùng trải nghiệm du lịch. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Ứng dụng mobile giúp người dùng trải nghiệm du lịch. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong số các giải pháp công nghệ cao đang phát triển “chóng mặt” trên toàn cầu, xu hướng Chuyển đổi Số của du lịch đã diễn ra với khá nhiều ứng dụng tiêu biểu. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng bắt nhịp và thành công khi triển khai các ứng dụng số này, mở ra một trang mới cho “du lịch số” hậu đại dịch.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng nhanh chóng chuyển mình.

Chuyển đổi số hay là "chết?"

Thực tế trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp du lịch không kịp thích ứng với công nghệ mới đã phải đóng cửa ngay cả khi đại dịch chưa diễn ra, phải kể đến trường hợp Thomas Cook - Tập đoàn lữ hành đồng thời là một đế chế du lịch lâu đời nhất của Anh.

[Chuyển đổi Số: Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn]

Tập đoàn này đã sụp đổ vào tháng 9/2019 sau 178 năm hoạt động cùng món nợ lên đến 2,1 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân chính khiến “ông lớn” ngành du lịch Anh phải phá sản là do không thể cạnh tranh nổi với các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến, mà nổi bật là các Đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent – OTA). Đây cũng trở thành hồi chuông cảnh báo của ngành du lịch thế giới.

Ngay sau đó, đại dịch bùng nổ khắp nơi đã buộc các cường quốc về du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải đẩy nhanh việc thích ứng với Chuyển đổi Số. Du lịch thế giới đứng trước lằn ranh: Chuyển đổi Số hay là "chết?"

Du lịch Việt học được gì từ kinh nghiệm Chuyển đổi Số của thế giới? ảnh 1Quốc đảo Singapore là một trong những nước đi đầu trên hành trình Chuyển đổi Số du lịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Là một trong những nước đi đầu trên hành trình Chuyển đổi Số, cùng tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, Singapore tiên phong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số. Hành động này đã giúp ngành du lịch thích ứng với tình hình dịch, từ đó phục hồi và định hình lại tương lai ngành kinh tế Xanh.

Theo đó, Chính phủ Singapore và Tổng cục du lịch Singapore đã tổ chức hàng loạt sự kiện “hybrid” (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến); tăng cường áp dụng công nghệ như kiốt đăng ký tự động có tích hợp công nghệ quét mã QR tại Triển lãm TravelRevive để hỗ trợ quy trình đăng ký không cần tiếp xúc. Sân bay Changi cũng được trang bị robot dọn dẹp tự động có kèm thiết bị phun sương khử trùng trên thảm và sàn nhà; áp dụng công nghệ ánh sáng LED cực tím (UV-C) để khử trùng tay vịn trên thang cuốn…

Trong khi đó, cường quốc công nghệ của thế giới là Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia về Chuyển đổi Số, đẩy mạnh phát triển ứng dụng mobile, website quảng bá du lịch; đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng cho Chuyển đổi Số...

Ngoài ra, ngành du lịch Nhật Bản còn phát triển truyền thông quảng bá du lịch trên mạng xã hội, cung cấp thông tin phổ biến bằng tiếng Anh, ứng dụng công nghệ AI... thu hút khoảng 50% lượng đặt tour ảo. Mới đây, công ty First Airlines của xứ sở Mặt Trời mọc đã ra mắt tour du lịch ảo trong mô hình cabin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo được đặt chân khám phá Italy, Mỹ, Pháp…, tận hưởng chuyến đi sống động, chân thực trọn vẹn.

Campuchia cũng gây ấn tượng với tour ảo tham quan quần thể di tích Angkor Wat, đưa du khách trở về quá khứ để ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ xưa…

Du lịch Việt học được gì từ kinh nghiệm Chuyển đổi Số của thế giới? ảnh 2Hành vi du lịch của người tiêu dùng thay đổi nhờ Công nghệ Số. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các quốc gia thành công trên hành trình Chuyển đổi Số du lịch hầu hết đều sử dụng những ứng dụng như: Ứng dụng mobile vào các hành vi du lịch; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI (để quản lý hành chính, khách hàng) và Chatbot (chương trình được tạo từ máy tính, cho phép con người có thể tương tác, giao tiếp thông qua trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn; Kết nối IoT (Internet of Things) trong ngành du lịch (giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, thói quen du lịch... nhằm chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm).

Ngoài ra còn có các ứng dụng giúp khách hàng có thể đánh giá và xếp hạng về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhanh chóng qua mạng xã hội như Facebook, Yelp, TripAdvisor hay các trang web du lịch; Du lịch thực tế ảo (Virtual Reality) đã mang đến các sản phẩm tour ảo như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama (toàn cảnh), ảnh Flycam (ảnh chụp từ trên cao)… nhằm giúp du khách phần nào thỏa mãn “cơn khát” xê dịch.

Doanh nghiệp Việt chuyển mình

Ngay từ tháng 10/2020, khi chứng kiến đại dịch kéo dài ảnh hưởng nặng nề mọi mặt của cuộc sống, đại diện Sun Group cho biết đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đầu tư nguồn lực tối đa cho công nghệ nhằm nâng cao công tác quản trị, kinh doanh, điều hành.

Theo đó, tháng 1/2021, tập đoàn này đã chính thức hoàn tất giai đoạn 1 của Chuyển đổi Số quy mô rộng bằng việc vận hành một trong số những giải pháp ERP (Enterprise Resource Plannin - Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) thế hệ mới số 1 thế giới hiện nay; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kiện toàn bộ máy để chuẩn hóa quy trình làm việc, báo cáo, thay thế toàn bộ hệ thống họp trực tuyến, tăng hiệu suất lao động bằng các công cụ số hóa thay vì thủ công như trước.

Trước đây, công tác bảo hành, bảo trì lập lịch thực hiện thủ công bằng các file excel. Công tác thống kê, báo cáo theo dõi lịch sử sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng khó khăn. Song, kể từ khi Chuyển đổi Số, Sun Group đã “số hóa” thiết bị, tài liệu hướng dẫn các quy trình và danh sách công việc vận hành, áp dụng công nghệ để tạo lịch bảo trì, bảo dưỡng tự động theo định kỳ, tự động giao việc hoặc phân việc theo phân quyền.

Du lịch Việt học được gì từ kinh nghiệm Chuyển đổi Số của thế giới? ảnh 3Bản đồ ẩm thực Hải Phòng được số hóa. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, từ cuối tháng 7/2021, Sun Group đã vận hành 2 Mobile App quản trị cho hệ thống khu vui chơi giải trí Sun World và hệ thống khách sạn, resort cao cấp.

Năm 2023, hệ thống vui chơi giải trí Sun World đã bắt tay cùng các đối tác trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu về cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng đa kênh (ví dụ như Kỳ Lân công nghệ Insider) bằng cách áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo cá nhân hoá vào các hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra một môi trường liên tục, kích thích và hấp dẫn cho du khách.

Đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành lớn của cả nước, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết trong giai đoạn COVID-19, đơn vị này đã xác định “Chuyển đổi Số toàn diện là giải pháp tốt nhất và duy nhất để phục hồi và phát triển kinh doanh lữ hành theo mục tiêu hiệu quả và bền vững.

Theo đó, Lữ hành Saigontourist đã tập trung đẩy mạnh tiến độ các hạng mục đầu tư cho chiến lược Chuyển đổi Số, đặc biệt trong việc chọn lọc ứng dụng công nghệ phù hợp để duy trì, phát triển kết nối, tiếp cận khách hàng, đối tác và triển khai các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch trên các nền tảng trực tuyến đa quốc gia.

Với định hướng chiến lược này, Công ty đã chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, nguồn lực triển khai trong nội bộ hệ thống Lữ hành Saigontourist và xây dựng kế hoạch đào tạo, ứng dụng trong thực tiễn theo các giai đoạn cụ thể.

Du lịch Việt học được gì từ kinh nghiệm Chuyển đổi Số của thế giới? ảnh 4Khách hàng trải nghiệm du lịch ảo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bà Trà nhấn mạnh 5 yếu tố chính để triển khai mô hình Chuyển đổi Số toàn diện trong hệ thống Lữ hành Saigontourist bao gồm: Văn hoá và Chiến lược số; Gắn kết khách hàng; Cải tiến quy trình công việc; Số hoá công việc và dữ liệu; Phân tích và quản lý dữ liệu.

“Với định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, đến nay, công tác Chuyển đổi Số tại Lữ hành Saigontourist đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào doanh thu chuyên doanh lữ hành hơn 5.050 tỷ vào năm 2019, và nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn COVID-19, với doanh thu hơn 2.600 tỷ năm 2022 và hơn 2.200 tỷ trong 7 tháng năm 2023,” bà Trà cho hay.

Có thể nói, quá trình Chuyển đổi Số thành công hoạt động du lịch các nước là “tấm gương,” kinh nghiệm đắt giá cho ngành kinh tế Xanh Việt Nam học hỏi và nhanh chóng bứt phá. Các doanh nghiệp lớn nước nhà cũng đã nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi.

Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đã được Chính phủ “hậu thuẫn” bằng nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, cùng hy vọng quá trình chuyển đổi Số du lịch Việt sẽ sớm cán đích toàn diện thành công ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục