Khẳng định lực lượng lữ hành chính là nòng cốt để phục hồi và phát triển lại thị trường du lịch Việt hậu COVID-19, tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 với chủ đề "Lữ hành Việt Nam - Giải pháp khôi phục và phát triển" vừa diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà Resort (Hải Phòng), ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, còn “tin rằng du lịch sẽ chuyển sang một trạng thái mới.”
[Giải pháp nào giúp doanh nghiệp lữ hành Việt 'vượt khó' năm 2021?]
Ông Vũ Thế Bình đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện làm thế nào để các doanh nghiệp có kinh doanh lữ hành có thể là “đầu tàu” trong chặng đường phục hồi mới.
Năm 2020 và những “con số biết nói”
- Nếu tổng kết ngành du lịch trong năm 2020 bằng các con số, chắc hẳn đó sẽ là “những con số biết nói,” thưa ông.
Ông Vũ Thế Bình: Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, giảm 50% khách nội địa và giảm 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đồng thời khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.
Tôi cho rằng trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khối lữ hành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành đã phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít nơi phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Cụ thể, trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019; có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 lần. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 là 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
- Trước những con số sụt giảm này, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam làm sao để lữ hành trong nước có thể phục hồi và phát triển trong năm 2021?
Ông Vũ Thế Bình: Vấn đề cần đặt ra cấp thiết lúc này là lữ hành Việt phải khôi phục hoạt động trong tình trạng bình thường mới. Lữ hành phải hoạt động thế nào, thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh ra sao để vừa khôi phục được hoạt động du lịch mà vẫn phòng chống được dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
Khi việc đón khách quốc tế còn là tương lai xa thì sản phẩm du lịch chắc chắn sẽ phải thay đổi, định hướng tập trung vào du lịch nội địa. Đặc biệt, du khách giờ đây sẽ không còn như thời trước COVID-19, bởi tư duy, sở thích, phương thức tiếp cận với du lịch của họ đã thay đổi.
Do đó ngành du lịch sẽ gần như phải bắt đầu từ vạch xuất phát, phải nghiên cứu để điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Tôi tin rằng du lịch sẽ chuyển sang một trạng thái mới, một phương thức hoạt động mới để đáp ứng với tình hình mới. Vì vậy, Diễn đàn Lữ hành toàn quốc vừa diễn ra chính là khởi đầu cho một loạt các cuộc họp, hội thảo, bàn bạc để định hướng du lịch trong tương lai.
Chúng ta vẫn nói rất nhiều về vấn đề chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và đến đâu để du lịch thực sự là ngành kinh tế số lại không hề dễ dàng. Vì vậy, với diễn đàn toàn quốc vừa qua chúng tôi có tham vọng là muốn đánh thức tất cả các doanh nghiệp, dù rằng đang trong thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất nhưng chúng ta phải nghĩ tới tương lai để chuẩn bị.
Sẽ không có việc gì có thể thành công trong tương lai mà không cần chuẩn bị trước, để đến lúc hết dịch bệnh ngành du lịch có thể vùng dậy, hoạt động mạnh mẽ trở lại và thậm chí là hơn trước.
Cần chuẩn bị tư thế sẵn sàng phục hồi
- Vậy theo ông, cần tập trung vào giải pháp nào để khôi phục hoạt động lữ hành trong bối cảnh hiện nay?
Ông Vũ Thế Bình: Tâm lý, nhu cầu du khách sau COVID-19 chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi và thay đổi đến đâu thì cần phải nghiên cứu để có sản phẩm du lịch phù hợp. Vậy ai là người sẽ làm việc đó? Tôi cho rằng lữ hành nên là lực lượng tiên phong.
Trong thời gian tới, tái cấu trúc, tái cơ cấu trong quản trị cũng như thấu hiểu nhu cầu khách hàng, hành xử văn hóa là “bài toán” doanh nghiệp doanh nghiệp lữ hành phải giải quyết.
Doanh nghiệp tập trung vào phân khúc du lịch nội địa, trong đó phải tìm phân khúc riêng, xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt dành cho những nhóm khách hàng khác nhau. Lữ hành cùng các đơn vị phải tạo ra sản phẩm mới kết nối, định hướng, liên kết, từ đó thay đổi tư duy không chạy theo số lượng và mà đầu tư vào chất lượng.
- Với rất nhiều hoạt động của Hiệp hội Du lịch cũng như doanh nghiệp trong thời gian tới, ông có kỳ vọng gì cho du lịch Việt Nam năm 2021?
Ông Vũ Thế Bình: Tôi nghĩ rằng du lịch sẽ là ngành nghề luôn đi đầu trong việc khôi phục lại hoạt động. Bởi như chúng ta thấy, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát tốt là du lịch có cơ hội bùng lên ngay. Bởi cả ngành du lịch giống như cái lò xo đang nén lại để chờ dịp bùng nổ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng du lịch sẽ hồi phục rất nhanh cùng sự hỗ trợ của vắcxin mới.
Tuy nhiên, vì không chắc chắn khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc nên những người thông minh cần chuẩn bị trước tư thế sẵn sàng phục hồi. Và những sinh hoạt như Diễn đàn Lữ hành toàn quốc vừa diễn ra chính là cách nhắc nhở các doanh nghiệp không bi quan mà cố gắng vươn tới tương lai, phải gìn giữ những gì mình đang có, đặc biệt là nguồn nhân lực để khi thời cơ đến có thể lập tức khôi phục hoạt động ngay.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.