Dư luận thế giới sau khi nhiều nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga

Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Áo, Phần Lan phản đối "làn sóng" trục xuất các nhà ngoại giao Nga và nhận định việc nối lại các lệnh trừng phạt Moskva sẽ chỉ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Dư luận thế giới sau khi nhiều nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga ảnh 1Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia trong phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 24/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia ngày 26/3 khẳng định quyết định của Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga làm việc tại Cơ quan đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc là một "bước đi đáng tiếc và thiếu thiện chí," cho thấy Mỹ đã lạm dụng các quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là một quốc gia đặt trụ sở chính của Liên hợp quốc.

Phát biểu họp báo, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Nebenzia nêu rõ theo Công ước năm 1946 về đặc quyền và quyền miễn trừ của Liên hợp quốc và Hiệp định ký năm 1974 giữa Liên hợp quốc và Mỹ về trụ sở chính, Mỹ, là quốc gia đặt trụ sở chính của Liên hợp quốc, có nghĩa vụ đặc biệt bảo đảm đặc quyền và quyền miễn trừ của các nhân viên cơ quan đại diện thường trực một nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như các nhân viên Ban thư ký Liên hợp quốc là công dân các nước khác.

Ông cho biết các nhà ngoại giao Nga sẽ rời trụ sở Liên hợp quốc trước ngày 2/4 tới, mặc dù Chính phủ Nga phản đối quyết định của Mỹ. Ông Nebenzia từ chối tiết lộ danh tính của 12 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất trong phái bộ Nga tại Liên hợp quốc gồm khoảng 95 người.

[Điện Kremlin sẽ đáp trả nếu Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga]

Đại diện Nga tại Liên hợp quốc cũng cho rằng chính sách của các nước phương Tây coi vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc ở Anh như "cái cớ" để trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đặt ra nhiều câu hỏi. Theo ông, đã có "một bản án" được đưa ra mà không có bất kỳ cuộc điều tra nào, trong khi có quá nhiều tình tiết mù mờ.

Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq xác nhận phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc đã thông báo với Ban thư ký về quyết định có liên quan đến một số thành viên của Phái đoàn thường trực của Nga dựa theo Khoản 13 của Hiệp định Liên hợp quốc - Mỹ về trụ sở chính.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Haq nêu rõ quyết định này có thể buộc các nhà ngoại giao Nga phải rời Mỹ.

Ông nhấn mạnh đây là vấn đề nhạy cảm, đồng thời cho biết Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ theo dõi sát sao tình hình và can dự thỏa đáng với những chính phủ có liên quan.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã hoan nghênh động thái của chính quyền Mỹ, nói rằng Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang phát đi một thông điệp rõ ràng rằng họ sẽ "không chấp nhận" hành vi của Nga.

Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/3 tuyên bố nước này sẽ không đưa ra các biện pháp chống lại Nga. Phát biểu họp báo sau một cuộc họp nội các, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhấn mạnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có mối quan hệ tốt, và Ankara sẽ không thông qua các biện pháp chống Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, chung quan điểm trên, lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn ở Italy, Matteo Salvini ngày 26/3 khẳng định việc Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trục xuất các nhà ngoại giao Nga và nối lại các lệnh trừng phạt Moskva không những không giải quyết được các vấn đề mà còn làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Ông Salvini, có khả năng trở thành thủ tướng kế tiếp của Italy, cũng là người đứng đầu liên minh cánh hữu, trong đó có đảng Liên đoàn và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Ngoại trưởng Karin Kneissl cùng ngày tuyên bố Áo sẽ không theo chân các nước EU trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Kurz và Ngoại trưởng Kneissl cho biết Chính phủ Áo nhất trí không đưa ra bất kỳ biện pháp nào đối với Nga và mong muốn để mở các kênh liên lạc với Moskva.

Cựu Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja cũng bày tỏ không ủng hộ quyết định của chính phủ nước này cùng các nước EU trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Trước đó, ngày 26/3, Mỹ, Canada và nhiều nước EU cùng Ukraine đã tuyên bố áp đặt các biện pháp ngoại giao đối với Nga vì vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, theo đó, Mỹ tuyên bố đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Seattle, trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Lãnh sự quán Nga tại Seattle và phái bộ tại Liên hợp quốc.

Những người bị trục xuất sẽ phải rời Mỹ trong 7 ngày tới.

Canada cũng trục xuất 4 nhân viên ngoại giao Nga mà Ottawa cáo buộc là điệp viên hoặc can thiệp vào các vấn đề của Canada, cũng như từ chối tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của 3 nhân viên ngoại giao Nga.

Trong khi đó, ít nhất 14 nước thành viên EU tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Theo sau động thái của Mỹ, Australia và Albania cũng tuyên bố mỗi nước trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga, còn Macedonia thông báo sẽ trục xuất 1 nhà ngoại giao Nga.

Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng cộng 22 quốc gia, trong đó có 16/28 nước thành viên EU, đã yêu cầu hơn 110 nhà ngoại giao Nga rời khỏi các cơ quan ngoại giao.

Trong khi đó, Iceland cùng ngày thông báo các quan chức nước này sẽ không tham dự Vòng chung kết giải bóng đá thế giới (World Cup) 2018 diễn ra tại Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục