Dư luận thế giới về việc AL đình chỉ tư cách Syria

Dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng trái chiều xung quanh quyết định của Liên đoàn Arập đình chỉ tư cách thành viên của Syria.
Dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng trái chiều xung quanh quyết định của Liên đoàn Arập (AL) đình chỉ tư cách thành viên của Syria, cũng như tình hình bạo lực tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu từ thành phố Tripoli ngày 13/11, Tổng thống Lebanon Michel Sleiman cảnh báo việc cô lập Syria là một động thái nguy hiểm và có thể dẫn tới sự can thiệp của nước ngoài. Theo ông Sleiman, Lebanon ủng hộ quyết định của AL trên nguyên tắc nhưng phản đối việc cô lập Syria vì điều này sẽ chỉ làm tăng thêm áp lực cho người dân và cản trở các cuộc đối thoại dân tộc.

Ông hối thúc người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tiến hành các biện pháp cải cách theo sáng kiến của AL, trong đó có việc đối thoại với phe đối lập, để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 8 tháng qua.

Cùng ngày, Iran cũng cảnh báo quyết định của AL sẽ không mang lại kết quả và chỉ càng làm phức tạp thêm tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho rằng AL đưa ra quyết định trên vào đúng thời điểm những cải cách của Tổng thống al-Assad có thể mở ra cơ hội hòa giải cho đất nước, trong khi các lực lượng nước ngoài đang tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Ông Mehmanparast kêu gọi các bên đối thoại và hành động "phù hợp với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định."

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng Mỹ và phương Tây đang tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống al-Assad giống như đã từng làm với nhà lãnh đạo Gaddafi của Libya. Phát biểu tại buổi xuất hiện đầu tiên trước công chúng ở thủ đô Caracas kể từ sau cuộc phẫu thuật ở Cuba hồi tháng Sáu, ông Chavez khẳng định quyết định của AL là hành động chống lại chính phủ Syria và sẽ càng khiến Mỹ và phương Tây đẩy mạnh các hoạt động gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những động thái phản ứng mạnh trước loạt vụ tấn công của người biểu tình Syria nhằm vào các đại sứ quán và phái bộ ngoại giao nước ngoài. Ngày 13/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại biện lâm thời Syria tới Bộ Ngoại giao nước này ở thủ đô Ankara để trao công hàm phản đối các vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Damascus và hai lãnh sự quán ở thành phố Aleppo và Latakia.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công và tăng cường những biện pháp an ninh cần thiết để tránh tình hình tái diễn. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khuyến cáo công dân không nên tới Syria do tình trạng bạo loạn tại nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã có cuộc tiếp xúc với đại diện phe đối lập Syria tại thủ đô Ancara để trao đổi về tình hình.

Trước những phản ứng trái chiều của dư luận khu vực và quốc tế về việc đình chỉ tư cách thành viên của Syria, các bộ trưởng ngoại giao AL dự kiến sẽ nhóm họp tại thủ đô Rabat của Marốc vào ngày 16/11, thời điểm kế hoạch giải quyết khủng hoảng của AL chính thức có hiệu lực. Phát biểu từ thủ đô Alger, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Algeria Amar Belani cho biết các ngoại trưởng AL sẽ gặp nhau bên lề hội nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arập. Trước đó, các ngoại trưởng AL đã ấn định thời hạn 15 ngày để Syria thực thi kế hoạch hòa bình của tổ chức này.

Trong khi đó, Tổng thư ký AL Nabin al-Arabi cho rằng đã đến lúc công nhận phe đối lập tại Syria. Phát biểu tại Tripoli trong chuyến thăm Libya, ông Arabi cho biết AL đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria.

Ngày 12/11, AL đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria cho tới khi Tổng thống al-Assad thực hiện thỏa thuận đã đạt được với AL về lộ trình chấm dứt khủng hoảng, bao gồm việc chấm dứt các hành động trấn áp bạo lực đối với người biểu tình và tiến hành đối thoại với phe đối lập về quá trình chuyển tiếp.

Ngoài ra, AL cũng kêu gọi các nước Arập rút đại sứ khỏi Damascus và các lực lượng đối lập ở Syria tập trung tại thủ đô Cairo của Ai Cập để thống nhất kế hoạch quản lý quá trình chuyển giao quyền lực sắp tới tại Syria.

Quyết định của AL đã lập tức làm dấy lên làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở Syria với loạt vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán các nước đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định của AL như Arập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục